Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa cho biết, Trung Quốc có thể sẽ giảm lượng nhập khẩu chỉ còn 3,3 triệu tấn trong niên vụ 2019/2020.
Trong 7 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 318.000 tấn.
Sản lượng sụt giảm 90%
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, thị trường Trung Quốc từng chiếm đến 80% lượng gạo xuất khẩu của doanh nghiệp. Từ khi thị trường này tăng thuế nhập khẩu, sản lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc của doanh nghiệp đã giảm đến 90%.
“Thị trường gạo Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguyên nhân họ giảm mua không rõ ràng nên doanh nghiệp khó ứng phó”, ông Đôn cho biết.
Cùng cảnh, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tới 30% trong mấy tháng đầu năm nay. "Việc thay đổi chính sách của Trung Quốc là bất thường nhưng chúng ta phải xem đây là điều hoàn toàn bình thường. Dù Lộc Trời đã chuẩn bị tâm thế từ lâu nhưng cũng không thể tránh bị ảnh hưởng", ông Thòn cho biết.
Trên thực tế, không phải hiện tại, mà dấu hiệu giảm nhập khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc đã xuất hiện từ đầu năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
01:03, 26/06/2019
15:15, 09/05/2019
02:52, 21/11/2018
01:18, 06/11/2018
08:30, 02/11/2018
11:46, 21/09/2018
Bỏ “ăn đong” trong xuất khẩu gạo
Theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ tháng 6/2019, nông sản Việt xuất sang Trung Quốc phải bằng đường chính ngạch và tuân thủ các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc với hàng loạt những tiêu chuẩn.
Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào quốc gia này phải đăng ký công suất nhà máy. Chẳng hạn nhà máy có công suất 36.500 tấn/năm, nếu xuất vượt quá số lượng đó, sẽ bị cắt giấy phép.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm được một số thị trường thay thế, đáng kể là Philippines, sau khi nước này chuyển sang nhập khẩu tự do theo cơ chế thị trường. Để tăng lượng xuất khẩu vào các thị trường này, gạo Việt cũng phải nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chọn ra được giống lúa tốt làm chủ lực nên đang xuất khẩu nhiều loại gạo khác nhau, dẫn đến hạn chế về mặt thương hiệu và khả năng cạnh tranh.
Vì vậy, Việt Nam cần "bỏ ăn đong" trong xuất khẩu gạo, chủ động điều chỉnh chính sách nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế theo đường chính ngạch. Đồng thời, cần nâng cao giá trị thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc, và phát triển các ngành công nghiệp chế biến sau thu hoạch để tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu.