Thân thương phà Bính!
Người Hải Phòng không ai không yêu câu hát “Những bến Bính, Xi-măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên…”. Phà Bính từ lâu đã thấm đẫm trong tâm khảm người Hải Phòng.
Theo sách Lược khảo đường phố Hải Phòng của Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản năm 1993, thì bến phà Bính lúc đầu gọi là bến đò Bính, do người ở huyện Thủy Nguyên lập ra chở khách từ huyện này sang nội thành Hải Phòng. Năm 1921, bến được người Pháp cải tạo và đặt tên là bến Tự Do. Sau giải phóng Hải Phòng năm 1955, bến được đổi tên là bến phà Bính.
Trước khi cầu Bính được đi vào hoạt động hồi năm 2005, bến phà Bính bến phà lớn bậc nhất miền Bắc. Ông Đặng Văn Thành, người có thâm niên lái phà Bính hơn 20 năm qua, cho biết: “Thời hoàng kim, mỗi ngày phà Bính có hàng vạn người và xe qua lại. Bến phải dùng phà to có tàu lai dắt và phà tự hành phun xoay”. Khi được hỏi, "phà Bính dừng rồi, anh sẽ đi đâu?", anh công nhân chạy phà thẫn thờ: "Tôi cũng chưa biết đi đâu, về đâu anh ạ. Chỉ biết chờ tổ chức phân công thôi".
Phà Bính là địa danh gắn với những chiến công oai hùng của quân và dân thành phố Cảng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong những ngày giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc dữ dội, phà Bính trở thành một trọng điểm hứng chịu bom đạn của địch. Nhưng phà Bính chưa bao giờ dừng hoạt động. Máy bay địch vừa đi xã, con phà lại hú còi qua sông Cấm. Đây cũng là đơn vị duy nhất của ngành giao thông vận tải Hải Phòng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi cầu Bính thông xe, thành phố Hải Phòng điều động những chiếc phà lớn đi nơi khác. Tuy nhiên do cầu Bính nằm khá xa trung tâm thành phố nên thành phố cũng đã đưa về đây những chiếc phà nhỏ bé như con đò máy để tiếp tục chở số người dân hai bên sông đi xe đạp, xe máy, chủ yếu là bà con đi chợ qua sông.
Qua gần một thế kỷ bền bỉ cống hiến hết sức mình chở khách qua sông, kể từ 0 giờ ngày 1/10/2019, Phà Bính đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, vĩnh viễn dừng hoạt động. Phà Bính dừng hoạt động để lại biết bao tình cảm lưu luyến cho người dân đất Cảng. Bao tháng ngày người dân chen chúc nhễ nhại mồ hôi xe đạp, xe máy đày nắng chang chang qua phà. Rồi nhỡ phà, chậm giờ làm, giờ học. Anh Nguyễn Chiến (Minh Đức, Thủy Nguyên) viết trên Facebook: “Xin từ biệt phà Bính, một nhân chứng lịch sử của đất Cảng mến yêu!”. Chị Nguyễn Minh (Đài PTTH Hải Phòng) bồi hồi: “Tôi nghe tin bỗng dưng ùa về ký ức bao năm đi qua phà. Nào chờ đợi những chuyến nhỡ phà, rồi xếp hàng, rồi cố dắt xe chạy thật nhanh khi phà đã kéo cáp rồi cũng chạy được lên vừa sợ vừa sung sướng. Bỗng dưng cũng thấy nao nao”. Chị Nguyễn Bích Hậu (giáo viên trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân) thì hồ hởi: “Hôm nay nhất định mình sẽ đi lại một lần nữa cuối cùng để nhớ về kỉ niệm những lần đợi phà đi đón người yêu bên kia sông và bao lần chở hàng trên xe máy mà cứ phải thót tim để leo lên được cái cầu phà khấp khểnh”.
Vậy là,con phà mộc mạc chân phương đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Nó đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho cái tươi mới sinh sôi nảy nở. Ngay cạnh bến phà Bính kia thôi, cây cầu Hoàng Văn Thụ đẹp đến nao lòng đã sừng sững hiện lên, soi bóng xuống dòng sông Cấm thơ mộng.
Phà Bính dừng hoạt động như một chứng nhân ghi dấu lịch sử Hải Phòng phát triển rộng dài, tươi sáng!
Cây cầu Hoàng Văn Thụ đã sừng sững mọc lên trên dòng sông Cấm thơ mộng ngay cạnh bến phà Bính.
Có thể bạn quan tâm