Tiền Giang tập trung nguồn lực cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay chưa có công tác, sự kiện nào mà tỉnh tập trung nhân lực nhiều như Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, đôn đốc quyết liệt tất cả các công việc có liên quan để triển khai Dự án, nhằm đảm bảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.Trong chuyến kiểm tra tiến độ Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Tiền Giang trong việc triển khai Dự án.
Giải “bài toán” vốn
Tại chuyến kiểm tra tiến độ Dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao văn bản của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về việc bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỷ đồng để thực hiện Dự án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đã ký quyết định giao vốn cho Dự án. Do đó, nhà đầu tư không được nói thiếu vốn nữa. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu. Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo trước đó là đến ngày 31/12/2020 phải thông tuyến và ngày 30/4/2021 phải thông xe đưa vào sử dụng tuyến cao tốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù nguồn vốn ngân sách đã được bố trí nhưng đến nay, nguồn vốn cho Dự án vẫn vướng mắc, do những yêu cầu từ các ngân hàng tài trợ.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 02/8/2019, tổng vốn đầu tư Dự án là 12.668 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn BOT là 10.482 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỷ đồng.
Thời gian qua UBND tỉnh đã có các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đề nghị sớm xem xét, hỗ trợ bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án 2.186 tỷ đồng và đã được Chính phủ đồng ý. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì nhiều buổi làm việc với các Bộ, ngành trung ương, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cung cấp tín dụng và nhà đầu tư, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để tháo gỡ các vướng mắc về vốn đầu tư.
Tại cuộc họp ngày 21/8/2019, giữa UBND tỉnh, nhà đầu tư và các ngân hàng tham gia tài trợ đã thống nhất phương án tăng vốn tự có của nhà đầu tư từ 2.787 tỷ đồng lên 3.400 tỷ đồng. Các ngân hàng tham gia tài trợ 5.800 tỷ đồng, phần vốn còn lại 1.282 tỷ đồng, các ngân hàng sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết.
Đến ngày 05/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng tiếp tục chủ trì buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ đầu tư và các Ngân hàng tham gia tài trợ để giải quyết các vướng mắc về vốn của Dự án.
Tại cuộc họp, Vietinbank (ngân hàng đầu mối) cam kết cung cấp tín dụng 3.300 tỷ đồng, BIDV cam kết cung cấp 1.500 tỷ đồng và Agribank là 1.000 tỷ đồng. Các ngân hàng này sẽ họp để thống nhất phát hành báo cáo thẩm định chung, sau đó sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tín dụng theo quy trình nội bộ của các ngân hàng và tiến hành đàm phán hợp đồng tín dụng và ký kết trong tháng 9/2019. Riêng nhà đầu tư cam kết sẽ huy động đủ 3.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Về số vốn còn thiếu 1.282 tỷ đồng, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3863/UBND-KTTC ngày 06/9/2019 và Văn bản số 4030/UBND-KTTC ngày 18/9/2019 đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo về nguồn huy động tín dụng đối với phần hạn mức còn thiếu này, nhằm đủ cơ sở cho các ngân hàng cho vay hợp vốn hoàn thành báo cáo thẩm định chung và ký kết hợp đồng tín dụng trong tháng 9/2019.
Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được văn bản phê duyệt và thông báo việc cấp tín dụng cho Dự án từ Ngân hàng đầu mối (Viettinbank) nên chưa đủ cơ sở để đàm phán hợp đồng tín dụng của Dự án, chậm so với kế hoạch hoàn thành trước ngày 13/9/2019 mà các bên đã thống nhất.
Các ngân hàng tài trợ tín dụng cũng đặt ra yêu cầu nhà đầu tư phải giải ngân tiếp để đủ 3.400 tỷ đồng thì ngân hàng mới giải ngân phần vốn tín dụng cho vay. Dù nhà đầu tư đã thống nhất tăng vốn tự có từ 2.787 tỷ đồng lên đến 3.400 tỷ đồng nhưng hiện nay Ngân hàng tài trợ lại yêu cầu tăng lên 3.800 tỷ đồng (với lý do không tính bao gồm lãi vay được nhập gốc đối với phần vốn nhà đầu tư huy động trong thời gian thi công khoảng 323 tỷ đồng). Như vậy phần vốn tự có của nhà đầu tư theo yêu cầu của ngân hàng sẽ tăng lên tương ứng 36% vốn BOT, trong khi biên bản thỏa thuận ngày 05/9/2019 các bên đã thống nhất tăng vốn tự có của nhà đầu tư lên mức là 3.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng tài trợ chỉ giải ngân nguồn vốn tín dụng song song với nguồn vốn Ngân sách Nhà nước tham gia dự án.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, theo UBND tỉnh Tiền Giang, Dự án có 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng. Để có mặt bằng triển khai Dự án, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Tiền Giang đã tập trung quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh đã ứng ngân sách địa phương năm 2019 với số tiền là 278,35 tỷ đồng để chi trả đền bù cho các hộ dân. Đến nay, tỉnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng tuyến chính cho doanh nghiệp tổ chức thi công xây dựng công trình.
Có thể bạn quan tâm
Tiền Giang: Lắng nghe và hành động cùng doanh nghiệp
00:05, 31/08/2019
Tiền Giang có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới
18:31, 27/08/2019
Dòng vốn đang “chảy” về Tiền Giang
15:31, 21/08/2019
Tiền Giang tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại đông người
21:30, 01/08/2019
Tiền Giang kiến tạo không gian phát triển mới
07:26, 10/07/2019
Tiền Giang gỡ “điểm nghẽn” cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
16:26, 22/05/2019
Nỗ lực từ chính quyền
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, từ khi nhận chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã tập trung rất cao cho Dự án. Từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay chưa có công tác, sự kiện nào mà tỉnh tập trung nhân lực nhiều như Dự án này.
Tiền Giang đã tập trung mọi nguồn lực, đôn đốc quyết liệt tất cả các công việc có liên quan để triển khai Dự án, nhằm đảm bảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc họp Thường trực UBND tỉnh mới đây đã thống nhất trong một tuần có ít nhất một đồng chí trong Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tiến độ và chất lượng Dự án cho đến khi nào ổn định. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp có trách nhiệm trao đổi với nhà đầu tư một tháng báo cáo khối lượng Dự án một lần để báo cáo Thủ tướng.
Như vậy, đến nay, các điều kiện về mặt bằng thi công, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh và nhà đầu tư hoàn thành. Tuy nhiên, tiến độ thi công Dự án ngoài công trường vẫn chưa thực sự khẩn trương, do cái khó lớn nhất là nguồn vốn cho dự án vẫn chưa được khơi thông.
UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo các ngân hàng cung cấp tín dụng khẩn trương hoàn thành việc đàm phán để ký lại hợp đồng tín dụng cho Dự án, sớm giải ngân nguồn vốn tín dụng tạo điều kiện cho nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; đồng thời có phương án để đảm bảo thu xếp đủ vốn tín dụng đối với phần kinh phí còn thiếu của Dự án là 1.282 tỷ đồng.