Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng là một trong những giải pháp được UBND tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện,đảm bảo đến hết năm 2020 thông xe tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ..
Đó là một trong các giải pháp góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng ĐBSCL.
Ngay sau lễ ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận về UBND tỉnh Tiền Giang, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng hằng tuần tổ đã chức buổi đối thoại giải quyết những kiến nghị của các hộ dân chưa chấp nhận bồi thường. Đồng thời thường xuyên tổ chức đoàn đi thực tế công trình để kịp thời nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Thứ năm hằng tuần Sở GT-VT Tiền Giang báo cáo tiến độ triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng, tình hình các gói thầu... cho UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, để tháo gỡ vướng mắc nếu có, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông Lê Văn Hưởng cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương gặp gỡ các hộ dân và khảo sát tìm hiểu từng trường hợp để giải quyết thấu tình hợp lý, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, những vướng mắc không thuộc thẩm quyền huyện thì địa phương có văn bản trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành theo quy định thì tiến hành cưỡng chế đúng pháp luật.
Với sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Tiền Giang, đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đã đạt khoảng 99%, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng của nhà đầu tư.
Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án (Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) cùng Liên doanh các nhà đầu tư đã ký kết phụ lục hợp đồng Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Đây là một bước xác nhận trách nhiệm của các bên trong việc tháo gỡ các “nút thắt” của Dự án, xác định cụ thể trách nhiệm của các bên trong thời gian tiếp theo để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án theo cam kết.
Tiền Giang phấn đấu đến hết năm 2020 thông xe tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Khi tiếp nhận cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải, tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đạt khoảng 96%. Về kinh phí thực hiện giải tỏa, đền bù cho những hộ dân còn lại, nếu kinh phí Trung ương phân bổ không kịp, tỉnh Tiền Giang sẽ ứng kinh phí của tỉnh. Tiền Giang đã cam kết với nhà đầu tư và các doanh nghiệp dự án, trong thời gian tới sẽ giải quyết vấn đề này, để đảm bảo công tác giải phóng mặt đạt 100%. Tuy nhiên, do đây là lần đầu Tiền Giang thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án thực hiện theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư lớn. Đồng thời lại là dự án đang thực hiện dang dở, nên trong quá trình tiếp nhận thực hiện, tỉnh cần có thời gian rà soát kiểm tra để thực hiện đúng theo qui định của pháp luật. Vì thế cần sự hỗ trợ của các Bộ ngành chức năng.
Tiền Giang cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ địa phương về việc trình thẩm định các giải pháp kỹ thuật sớm nhất, để triển khai thi công ở những đoạn nền đất yếu thuộc Dự án.
Thông đường huyết mạch- tăng cường kết nối
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, dài 51,1 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm cuối giao QL 30 tại nút giao An Thái Trung (Cái Bè, Tiền Giang), đi qua địa bàn 5 huyện, thị phía tây của tỉnh Tiền Giang gồm: Châu Thành (10,66km),Tân Phước (2,93km), TX Cai Lậy (9,13km), huyện Cai Lậy (8,1km), Cái Bè (19,77km). Giai đoạn 1, bề rộng nền đường 17m; 4 làn xe; có 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 5 cầu vượt, 1 cầu trên nút giao ĐT 868 Cai Lậy, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè.
Có thể bạn quan tâm
12:43, 11/05/2019
11:35, 21/04/2019
16:18, 20/04/2019
15:16, 19/04/2019
11:10, 12/04/2019
03:25, 23/03/2019
Trong bối cảnh đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận, ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay có nghẽn về hàng không do sân bay quá tải, nghẽn ở cảng biển, nhất là đường bộ đang tắc nghẽn nghiêm trọng.
Việc sớm hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ tháo gỡ "điểm nghẽn" hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng, là niềm mong chờ của người dân ĐBSCL. Bởi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối miền Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam; là trục đường quan trọng nhất của các tỉnh phía nam, lưu lượng mỗi ngày đạt khoảng 50 nghìn xe trên tuyến.
Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn trong thời gian đầu khi tiếp quản dự án như: về công tác giải phóng mặt bằng, về những vướng mắc trong thủ tục giải ngân, về nguồn vật liệu, vấn đề pháp lý của dự án, hệ thống đường công vụ... Nhưng Tiền Giang đã nỗ lực khắc phục với tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ là nhiệm vụ với Chính phủ mà còn là trọng trách với 23 triệu dân ĐBSCL.
“Với sự ủng hộ của Trung ương cùng với quyết tâm của tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt từ phía nhà đầu tư, Tiền Giang sẽ phấn đấu đến hết năm 2020 thông xe tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng ĐBSCL”- ông Lê Văn Hưởng chia sẻ.