Yêu cầu các đơn vị rà soát lại tình trạng có vật liệu nhưng không khai thác, găm hàng, đội giá, cản trở... thì xử lý nghiêm, không để ảnh hưởng tới tiến dộ dự án Vành đai 3 TP HCM.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra tiến độ dự án đường vành đai 3 TP HCM trong những ngày đầu xuân 2025.
Đáng chú ý, báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác bộ, ngành Trung ương tại buổi kiểm tra tiến độ dự án đường vành đai 3 TP HCM trong những ngày đầu xuân năm mới, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), cho biết dự kiến 30 - 4 sẽ hoàn tất nút giao vành đai 3 với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Và đến ngày 31/12/2025, một đoạn 14,7km vành đai 3 TP HCM trên cao từ cầu Nhơn Trạch đến nút giao Tân Vạn sẽ được thông xe phục vụ người dân. Trong đó, đoạn 6,8km qua tỉnh Long An cũng sẽ được thông xe vào cuối năm, khai thác đồng bộ với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuy nhiên, hiện tại dự án vành đai 3 vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn về nguồn VLXD. Do đó, TCIP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục trong năm 2025 để đảm bảo khối lượng mục tiêu.
Trước những đề xuất của TCIP, phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các địa phương, đơn vị đã nỗ lực triển khai dự án vành đai 3 TP HCM thời gian qua, đồng thời cần cố gắng tiếp tục rút ngắn thời gian hoàn thành dịp 30-4-2026 (kế hoạch ban đầu vào 30-6-2026).
Đối với kiến nghị của TP HCM về mỏ cát ở Tiền Giang và Bến Tre, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ có thông báo riêng về việc cung cấp ngay mỏ cát cho TP HCM để thực hiện dự án. Về mỏ đá, Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai và Bình Dương cấp thẳng cho ban quản lý dự án hoặc nhà thầu, không qua trung gian.
“Yêu cầu các đơn vị rà soát lại tình trạng có vật liệu nhưng không khai thác, găm hàng, đội giá, cản trở... thì xử lý nghiêm. Các địa phương cần khẩn trương tăng tốc làm dự án đường vành đai 3 TP.HCM, cố gắng kiểm soát tiến độ, chất lượng. Đồng thời phải đảm bảo chăm lo đời sống công nhân và đời sống người dân sau khi di dời, tái định cư", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Ngoài ra Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh thành phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai dự án, nhất là tại điểm giao nhau. Khi có vướng mắc cần báo cáo ngay cho Phó thủ tướng Trần Hồng Hà để xử lý, không để kéo dài.
Liên quan tới vấn đề khan hiếm nguồn VLXD thực hiện dự án vành đai 3, chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Định An, cho biết, hiện tại, gói XL3 đang có tiến độ tốt nhất so với các gói thầu còn lại. Gói thầu này do liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Định An, Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu 75, Công ty Cổ phần – Tổng công ty cơ khí xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thái Yên và Công ty Cổ phần Phúc Thành An thực hiện. Gói thầu này được khởi công từ ngày 28/7/2023 đến nay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cát, đá của dự án vẫn chưa được giải quyết. Do đó, các nhà thầu đang phải huy động từ nguồn thương mại trong nước, nguồn cát nhập khẩu Campuchia để thi công các hạng mục của dự án, đặc biệt để xử lý đất yếu, đáp ứng các mốc tiến độ.
Tương tự, ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua chủ đầu tư cùng với nhà thầu tập trung thi công "3 ca 4 kíp" không kể ngày nghỉ, lễ, Tết để đẩy nhanh tiến độ công trình. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng đến nay tiến độ toàn dự án đạt 85,1%, vượt 8,4% so với tiến độ hợp đồng. Song, vấn đề khan hiếm nguồn VLXD cũng đang là thách thức không nhỏ đối với nhà thầu, ảnh hưởng tới tiến độ thi công của dự án.
Chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp về những áp lực thực hiện dự án vành đai 3 TP HCM, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), cho biết dự án vành đai 3 đoạn qua TP HCM dài 47,3 km, có tổng mức đầu tư 41.317 tỉ đồng. Dự án có 10 gói thầu xây lắp chính, trong đó bốn gói thầu khởi công 2023, sáu gói thầu khởi công năm 2024. Hiện 10 gói thầu đang giai đoạn tăng tốc thi công, tập trung các hạng mục kết cấu phần dưới các cầu, bắt đầu lao lắp dầm; tập trung huy động cát để thực hiện các hạng mục xử lý đất yếu… Tính đến cuối năm 2024, sản lượng thực hiện 10 gói thầu khoảng 30% giá trị xây lắp, cơ bản đáp ứng tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra.
Trong đó, cuộc thi đua 365 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP HCM được đánh giá là nhiệm vụ then chốt, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ thông giao thông kết nối giữa TP HCM với các tỉnh lân cận.
Về những khó khăn vướng mắc, ông Phúc cho biết, hiện tại dự án vành đai 3 vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn về nguồn VLXD. Trong đó, nguồn đá mà dự án đang cần khoảng 1,6 triệu m3, do đó, TCIP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục trong năm 2025 để đảm bảo khối lượng mục tiêu. Đối với nguồn cát, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ khai thác 6 mỏ cát ở Bến Tre và Tiền Giang, để trong quý 1 tiếp tục đưa cát về công trường vành đai 3.
Cũng theo ông Phúc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, TCIP sẽ chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT các cơ quan liên quan thường xuyên làm việc với cơ quan chuyên môn của các tỉnh (Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre) để đẩy nhanh tiến độ cấp phép, khai thác mỏ vật liệu xây dựng, cung cấp cát cho dự án theo tiến độ yêu cầu. Đồng thời, chỉ đạo nhà thầu thi công chủ động huy động nguồn cát thương mại cung cấp cho dự án để tổ chức thi công xử lý nền đất yếu, không chờ nguồn cát khai thác từ các tỉnh ĐBSCL.