Kon Tum: Đường tỉnh lộ cứ mưa... là thành “cháo”

Nam Phong 27/10/2019 04:00

Được đầu tư gần 500 tỷ đồng, tuyến đường tỉnh lộ 674 nối từ thôn Tam An, xã Sa Sơn với xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum)

hy vọng tạo điều kiện thuận cho việc đi lại cũng như giao thương hàng hóa nông sản của người dân. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, thuận lợi chẳng thấy đâu, hễ cứ mưa là bị sạt lở, đất đá kèm bùn đỏ tràn ra đường nhão nhoét như “cháo”.

p/Dù đường sạt lở, đất đá vùi lấp nhưng nhiều người dân vẫn liều cho xe ô tô lưu thông

Dù đường sạt lở, đất đá vùi lấp nhưng nhiều người dân vẫn liều cho xe ô tô lưu thông

36 km … 22 điểm sạt lở

Tuyến đường tỉnh lộ 674 nối có chiều dài 36km được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 482 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ, do UBND huyện Sa Thầy làm chủ đầu tư, Cty cổ phần Trường Long và Cty TNHH Tuấn Dũng thi công. Khi hoàn thành tuyến đường việc lưu thông của người dân từ trung tâm huyện Sa Thầy đi xã Mô Rai sẽ được rút ngắn và thuận lợi hơn. Vui mừng chẳng thấy đâu, bởi ngay từ lúc đang thi công đã có hiện tượng sạt lở, nhất là mỗi khi trời mưa.

Bà Trương Thị Hạnh ở làng Rẽ, xã Mô Rai bức xúc nói: “Bà con ở xã biên giới trong này làm được bao lúa, củ mỳ (sắn) rất vất vả. Cứ nghĩ có đường sá thuận lợi chi phí vận chuyển sẽ thấp đi, hàng hóa của dân sẽ được giá, đời sống được nâng cao, nhưng mà đường cứ trời mưa là sạt lở như thế này khổ lắm. Mà đường sá sạt lở có phải họ sửa liền đâu, phải mấy ngày, nhiều lúc bà con chúng tôi tự vận động thuê xe san gạt đất đá để đi”.

Ông H Rách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết, hiện nay tuyến đường này chỉ có xe máy đi được nhưng lầy lội, còn ô tô, xe tải thì không thể đi được. “Tỉnh lộ 674 là tuyến đường huyết mạch giúp giao thương hàng hóa giữa xã và huyện, nhưng từ năm ngoái đến nay liên tục bị sạt lở. Vừa qua Sở GTVT có đến kiểm tra, UBND xã mong muốn các cấp, ngành sớm sửa chữa, khắc phục để thuận lợi cho bà con đi lại cũng như thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương”, Chủ tịch xã kiến nghị.

Theo kiểm tra, đánh giá của Sở GTVT và UBND huyện Sa Thầy thì dọc tuyến tỉnh lộ 674 có 22 điểm sạt lở, trong đó 18 điểm sụt lở taluy dương, 2 điểm sạt lở mặt đường và sạt lở phía taluy âm, 1 điểm sạt lở nền đường phía hạ lưu cống tạo hàm ếch và 1 điểm rãnh thoát nước bị gãy nứt, xói lở mặt đường và gãy 2/3 mặt đường.

Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Nguyễn Ngọc Sâm cho rằng, tuyến đường được đơn vị thi công đảm bảo quy trình kỹ thuật cũng như thi công đúng thiết kế. “Do địa chất yếu nên bị sạt lở và việc khắc phục thì sạt lở đến đâu san ủi khắc phục đến đó. Hiện tuyến đường này UBND huyện đã bàn giao cho Sở GTVT quản lý”, ông Sâm lý giải.

Có thể bạn quan tâm

  • Đắk Hà, Kon Tum: Thực hư thủy điện chuyển dòng, triệt tiêu dòng chảy tự nhiên

    Đắk Hà, Kon Tum: Thực hư thủy điện chuyển dòng, triệt tiêu dòng chảy tự nhiên

    11:10, 17/10/2019

  • Kon Tum: Tái định cư 149 tỷ, 10 năm chưa an cư

    Kon Tum: Tái định cư 149 tỷ, 10 năm chưa an cư

    11:05, 17/10/2019

  • Đăk Hà, Kon Tum: Cho thuê đất công viên có đúng luật?

    Đăk Hà, Kon Tum: Cho thuê đất công viên có đúng luật?

    04:06, 16/05/2019

  • Kon Tum: Biến đất công viên thành khu thương mại, dịch vụ

    Kon Tum: Biến đất công viên thành khu thương mại, dịch vụ

    11:05, 13/05/2019

  • Kon Tum: Hàng trăm hộ dân “sống mòn” bên công trình nghìn tỷ

    Kon Tum: Hàng trăm hộ dân “sống mòn” bên công trình nghìn tỷ

    05:00, 18/04/2019

Chưa thống nhất phương án khắc phục?

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết: Tuyến đường tỉnh lộ 674 không phải do Sở GTVT làm chủ đầu tư, Sở chỉ mới nhận bàn giao quản lý, khai thác, sử dụng tuyến đường này từ ngày 5/8. Hiện nay đơn vị cũng đang chờ tỉnh phê duyệt phương án để tiến hành khắc phục. “Trước mắt, Sở GTVT giao Cty cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum thông tuyến để đảm bảo việc lưu thông đi lại của người dân. Về lâu dài thì đơn vị đã có phương án gửi Sở KHĐT xem xét, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Dự kiến trong tháng 10, UBND tỉnh sẽ chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành mới có phương án cụ thể sửa chữa như thế nào, kinh phí từ đâu”, ông Hùng nói.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum Trần Quốc Phùng, cho biết Cty cũng cố gắng tuần tra, cảnh báo cho người dân, đề nghị các cấp quan tâm sớm bố trí kinh phí khắc phục để đảm bảo việc giao thông đi lại dễ dàng cho người dân. “Từ khi tiếp nhận từ ngày 1/10 đơn vị đã chủ động căng dây, cắm biển báo ở một số vị trí sạt lở nguy hiểm để cảnh báo người dân. Việc đảm bảo thông tuyến hiện nay đơn vị gặp rất nhiều khó khăn vì vị trí sạt lở nhiều, khối lượng đất, đá lớn, trong khi đó lại chưa được bố trí kinh phí để khắc phục”, ông Phùng nêu khó khăn.

Tuy nhiên, đây không phải tuyến đường duy nhất được đầu tư tiền trăm tỷ tại Kon Tum bị hư hỏng, sạt lở, gãy nứt. Tuyến đường tránh đèo Măng Rơi có chiều dài 15km, nối 2 huyện Đắk Tô và Tu Mơ Rông có tổng kinh phí đầu tư hơn 543 tỷ đồng, do UBND huyện Tu Mơ Rông làm chủ đầu tư cũng liên tục bị sạt lở, thậm chí bị chia cắt giao thông. Vậy hiệu quả của việc giám sát và năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và ai sẽ chịu trách nhiệm?

(DĐDN sẽ tiếp tục thông tin)

Nam Phong