Quảng Trị: Người trẻ bén duyên “nghề già”

Trương Khắc Trà 29/10/2019 05:00

Nói “nghề già” là bởi theo Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục”, cây nhang có nguồn gốc từ Tây vực, rồi theo Bắc thuộc du nhu nhập vào Việt Nam.

Giữa một góc bình lặng của làng quê nghèo Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) người dân sống xung quanh một cơ sở nghề truyền thống giờ nói vui rằng, xóm làng như được…“thơm lây”.

Quyết thoát nghèo!

Sinh trưởng trong một gia đình đông con, anh Trương Văn Thủy (34 tuổi) thoạt nhìn đã toát lên nét đặc trưng của thanh niên nông thôn có chí hướng. Trong khi những người bạn cùng thời chọn vào đại học, rồi công việc ổn định "thoát nông" - Thủy không có điều kiện thực hiện ước mơ đó.

Sự học gãy gánh giữa chừng, Thủy ở nhà lo công việc đồng áng với bố mẹ, dần dà trở thành lao động chính đỡ đần các em còn nhỏ. Những tháng ngày với trâu bò, đồng ruộng, cây lúa và nguồn thu nhập èo uột đã thôi thúc anh tìm phương kế mới.

Anh Trương Công Thủy quyết thay đổi số phận bằng nghề làm hương nhang (Ảnh: Khắc Trà)

Anh Văn Thủy quyết thay đổi số phận bằng nghề làm hương nhang (Ảnh: Khắc Trà)

Không chịu nổi cái nghèo, Thủy “Nam tiến” lập nghiệp, vài năm bôn ba trong các khu công nghiệp, tá túc trong căn trọ vài mét vuông giữa thị thành bon chen, anh nhiều đêm trăn trở: Tại sao không lập nghiệp ngay tại quê hương mình, bằng một nghề gì đó đỡ vất vả hơn cày cấy?

Bỏ miền Nam, lại ra Bắc, nhưng có lẽ “số phận” không ủng hộ mình đi xa”, Thủy tâm sự. Tuy nhiên, “đi một ngày đàng học một sàng khôn” khoảng thời gian trải nghiệm giúp anh đúc rút được, ở miền Nam có rất nhiều cơ sở sản xuất hương nhang bán cho thị trường cả nước. Tại sao mình không tự sản xuất để bán?

Bén duyên với nghề

Hồi hương với hai bàn tay trắng, nhưng thứ quý giá nhất là Thủy đã có cái nhìn khá chuẩn xác về thị trường của “ngành công nghiệp tâm linh”. Quyết phải làm bằng được, Thủy chọn “đầu quân” cho một cơ sở hương nhang của người quen, vừa kiếm thu nhập vừa học nghề.

Đúng là số phận sắp đặt, càng làm anh càng thấy mê mẩn với thứ bột thơm lừng, nhưng phận làm công rất khó nhằn, nhất là thu nhập không đủ trang trải cho vợ con. Đầu năm 2018, Thủy đi đến một quyết định quan trọng không kém…lấy vợ!

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Trị: Khởi nghiệp từ mô hình nuôi vịt khép kín

    Quảng Trị: Khởi nghiệp từ mô hình nuôi vịt khép kín

    04:03, 12/10/2019

  • Quảng Trị: “Gỡ rối” cho doanh nghiệp tiểu ngạch

    Quảng Trị: “Gỡ rối” cho doanh nghiệp tiểu ngạch

    10:30, 14/09/2019

Đó là dồn hết vốn liếng, vay mượn ngân hàng được 100 triệu đồng - quyết định “ra riêng” thành ông chủ. Để đảm bảo đúng quy trình làm hương trầm “sạch”, anh đầu tư xây hẳn nhà kho để bảo đảm chất lượng nguyên liệu.

Chiếc máy định hình thành phẩm (Ảnh: Khắc Trà)

Chiếc máy định hình thành phẩm (Ảnh: Khắc Trà)

Mướn thêm một căn nhà khác để đặt máy móc, đồng thời là bãi phơi phóng hàng thành phẩm. Mẻ hương đầu tiên ra lò, vừa mừng vừa lo. Mừng vì lý thuyết học được đã áp dụng thành công. Nhưng lo vì không biết bán như thế nào, cho ai, bắt đầu từ đâu?

Thế là Thủy làm luôn nhiệm vụ “sale” hàng, sau khi thành phẩm, đóng gói cẩn thận chở bằng xe máy đến các cửa hàng tạp hóa vừa và nhỏ trong huyện. Anh kể “mình nói là hương sạch, không hóa chất, nhưng có vẻ các chủ cửa hàng…không quan tâm lắm”.

Nhưng trời không phụ lòng người, ngày đầu tiên bước ra thị trường, anh bán được 60% số hương mang đi. Hai tháng sau câu quảng cáo “hương sạch, không hóa chất” thật sự đã được chứng minh qua quá trình sử dụng.

Đến thương hiệu hương nhang “Huyền Trâm”

Để chứng kiến tận mắt quá trình tạo ra cây hương trầm thơm dịu, Thủy dẫn tôi vào nhà kho chứa nguyên liệu. Cửa mở ra một mùi thơm nhẹ, dễ chịu xộc thẳng vào giác quan, không hăng hắc như là hóa chất công nghiệp.

Thủy nói: “nguyên liệu này là hỗn hợp hoàn toàn từ thảo dược bao gồm: trầm, quế, mùn cưa, bột bài, trong đó quế chiếm tỷ lệ lớn nhất”. Hỗn hợp sau khi xay nhuyễn cho vào máy trộn, hòa thêm nước với tỷ lệ thích hợp.

Công đoạn trộn hỗn hợp quế, trầm, mùn cưa, bột bài và nước (Ảnh: Khắc Trà)

Công đoạn trộn hỗn hợp quế, trầm, mùn cưa, bột bài và nước (Ảnh: Khắc Trà)

Đảo đều khoảng 5 phút sẽ cho ra một dạng dẻo, mềm và dĩ nhiên là có mùi thơm đặc trưng, không gây ngán hoặc nhức đầu dù tiếp xúc rất gần. Sau đó cho từng mẻ nhỏ lên cối, chiếc máy tự động sẽ bắn từng lõi tre xuyên qua một cái lỗ rồi phóng ra thành que hương, chạy vèo vèo như mũi tên vừa ra khỏi cây cung.

Điều đặc biệt ở chổ, hương Huyền Trâm hoàn toàn sấy khô bằng ánh nắng mặt trời, cái nắng miền Trung rát và hanh, chiều có gió biển thổi vào nên sau khi khô sẽ có độ dịu vừa phải, không bị mủn, dễ bắt lửa mà không cháy quá nhanh.

Đáng chú ý, khi được mời vào xem kho nguyên liệu, tôi đề nghị mang khẩu trang nhưng Thủy nói yên tâm, nguyên liệu hoàn toàn thảo dược nên không có bất cứ độc hại gì với cơ thể người. Chính Thủy cũng lấy nguyên liệu từ cối trộn mà không cần mang bao tay! Đây là màn “kiểm định chất lượng” thực tế nhất.

Hỗn hợp được trộn nhuyễn trước khi cho lên máy định đình thành cây hương (Ảnh: Khắc Trà)

Hỗn hợp được trộn nhuyễn trước khi cho lên máy định đình thành cây hương (Ảnh: Khắc Trà)

Mục sở thị quá trình từ trộn nguyên liệu cho đến lúc ra que hương chỉ khoảng 10 phút đồng hồ! Nhờ máy móc, nên năng suất khá cao, toàn bộ cơ sở này đều do hai vợ chồng anh vận hành.

Thủy nung nấu ý chí phải làm lớn hơn nữa, anh đã làm hồ sơ vay vốn ngân hàng và đề nghị Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ kinh phí để mở thêm phân khúc làm nến; xây kho hàng, dành ra một phần diện tích làm nơi trưng bày sản phẩm và tiếp khách hàng.

Ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, Thủy cũng mày mò nghiên cứu luật và đã hoàn thành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền “Huyền Trâm”.

Nhãn hiệu hương nhang Huyền Trâm

Nhãn hiệu hương nhang Huyền Trâm "sạch" đã được đăng ký bảo hộ độc quyền (Ảnh: Khắc Trà)

Sau gần 2 năm, hương nhang Huyền Trâm đã có mặt ở khắp tỉnh Quảng Trị và đã vươn ra một số địa phương ở tỉnh bạn. Thay vì vất vả chào hàng như thời gian đầu, giờ đây cơ sở này đã nhận đơn hàng qua điện thoại và sản xuất theo yêu cầu.

Làng Mai Xá nổi tiếng hiếu học và đỗ đạt cao, nhưng đó là chuyện quá khứ, còn nay lớp trẻ một phần học đại học, phần đa chọn tha hương làm đời công nhân. Đất và làng vẫn thế nhưng lao động trẻ vắng dần, ruộng nương hoang hóa, cái nghèo vẫn đeo đẳng. Cần thêm nhiều những tấm gương như Thủy.

Trương Khắc Trà