Doanh nghiệp nhận nhiều "quả đắng" khi làm ăn theo đường tiểu ngạch. Vậy làm sao để chính thống trong bối cảnh nền kinh tế thị trường thẩm thấu vào mọi ngõ ngách?
Doanh nghiệp có thương hiệu… đếm trên đầu ngón tay!
Mặc dù có lợi thế là điểm đầu của hành lang kinh tế Đông - Tây, nhưng hầu hết các mặt hàng nông, lâm và thủy sản mới chỉ buôn bán trong khu vực các nước Mekong (Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar).
Đối với thị trường khổng lồ phía Trung Quốc, Sở Công thương Quảng Trị cho hay, hầu hết chỉ xuất khẩu qua đường tiều ngạch, hoặc thông qua trung gian là các doanh nghiệp lớn ở phía Bắc. Các mặt hàng tiểu ngạch hiện nay chủ yếu là gỗ dăm, chuối và thủy sản.
Quảng Trị là địa phương có lợi thế sản xuất một số nông sản đặc trưng như tiêu, cà phê, tinh bột sắn, thủy sản, chuối, sản phẩm gỗ, cao su... Tuy vậy, hiện chỉ có một số sản phẩm được xây dựng thương hiệu như Tiêu Cùa, Cà phê Khe Sanh, Gạo “sạch” Triệu Phong…, còn lại đa phần sản phẩm vẫn được mua bán dưới dạng thô, giá trị thấp.
Sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt khá cao nhưng do chưa được doanh nghiệp đầu tư chế biến bài bản nên chủ yếu tiêu thụ nội địa và sơ chế để xuất khẩu tiểu ngạch hoặc bán trực tiếp cho các thương lái Trung Quốc.
Sở Công thương Quảng Trị hiến kế ra sao?
Ngay sau khi đọc xong bài báo “Quảng Trị: Doanh nghiệp “đắng lòng” vì tiểu ngạch”, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng bắt đầu câu chuyện như một phản xạ vốn có khi thấy doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - người phụ trách lĩnh vực này bày tỏ sự lo ngại trước tình cảnh doanh nghiệp thương mại ở địa phương liên tục dính quả “đắng” khi làm ăn phi chính thống với thương lái Trung Quốc.
Từ tháng 5/2018, thị trường Trung Quốc bắt đầu siết chặt. Để cảnh báo, đầu năm đến nay Sở đã gửi 3 văn bản hướng dẫn đến các huyện, hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất lúc này là làm sao để đáp ứng được yêu cầu từ phía đối tác.
Theo ông Hưng, trước tiên các doanh nghiệp nhỏ nên liên kết lại, tạo thành các liên minh thương mại nhằm ổn định số lượng hàng hóa, chuẩn hóa chất lượng. Tiếp đến Sở và các cơ quan liên quan sẽ giúp đỡ xây dựng thương hiệu, ít nhất là “nhãn hiệu tập thể”.
Đơn cử như mặt hàng cá sấy khô, đã phối hợp với Sở KHCN xây dựng nhãn hiệu “cá khô Cửa Việt” gửi Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận.
Có thể bạn quan tâm
06:04, 12/09/2019
12:41, 29/08/2019
"Khi có “nhãn hiệu tập thể” các doanh nghiệp sẽ được cấp mã vạch - phục vụ yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đồng thời, Trung tâm Khuyến công hỗ trợ thiết kế, in ấn nhãn mác, bao bì" - ông Hưng cho biết thêm.
Phía Sở cũng có những đề án hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu chế biến, đặc biệt là lĩnh thủy sản, Trung tâm Khuyến công (thuộc Sở) là đầu mối đảm nhiệm chức năng này.
Tỉnh Quảng Trị đang triển khai Hiệp định Thương mại biên giới với Lào, có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp thương mại. Nếu tận dụng tốt sẽ giảm sức ép phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đối với C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) với mặt hàng thủy sản buôn bán tại thị trường Trung Quốc, thuộc “forrm E”) nên cơ quan có thẩm quyền cấp là Bộ Công thương.
Doanh nghiệp tại Quảng Trị - để được cấp C/O, ông Hưng cho biết thêm, hiện Phòng Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương đặt tại Sở Công thương Thừa Thiên Huế có nhiệm vụ này.
Bằng một tâm thế sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, Vị Phó Giám đốc chắc chắn rằng: “Cơ quan chức năng rất tạo điều kiện để cấp C/O, thủ tục khá đơn giản, nếu có khó khăn liên hệ với Sở, hoặc bất cứ lãnh đạo nào của Sở - sẽ được tư vấn, hỗ trợ một cách đắc lực”.
Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại, ông Hưng tâm sự, khá nhiều hội thảo, tập huấn nhưng nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà. Thiếu chủ động, thiếu kết nối với chính quyền, các hội, hiệp hội.
“Doanh nghiệp nên tham gia vào tổ chức để nắm bắt thông tin, nâng cao kỹ năng kinh doanh” - ông Hưng nhấn mạnh.
Với thủ tục để được xét duyệt vào danh sách của Nafiqaq. Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản Quảng Trị cho biết: “Doanh nghiệp phải vượt qua đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm - gồm có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, nhân công và một số điều kiện khác”.