Cú hích cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhờ vậy, trong 2 năm liên tiếp vừa qua, Quảng Ninh đã xuất sắc dẫn đầu PCI cả nước. Tuy nhiên, chính quyền Quảng Ninh vẫn luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nhân, chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh để tạo cú hích cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Ninh:
Tỉnh “khát” những chính sách hỗ trợ của Trung ương
Để phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, ngoài những nỗ lực của địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất Trung ương hỗ trợ tỉnh hoàn thiện hồ sơ, Đề án mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Tỉnh sẽ nỗ lực tạo không gian phát triển cho thành phố Hạ Long trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó góp phần tạo sức sống mới, động lực mới để mở ra không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của một đơn vị hành chính; đồng thời tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng.
Tỉnh sẽ sớm đàm phán thống nhất với phía Trung Quốc về Phương án tổng thể chung xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung. Trong đó, đề nghị xem xét lựa chọn Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để thí điểm triển khai xây dựng, vận hành.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt tại Quyết định số 3888/QĐ-UBND về việc Quy hoạch chung Thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với vị trí địa lý đắc địa, Quảng Yên đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược nghiên cứu triển khai những dự án trọng điểm, như: Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Đông Mai; đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Amata (Thái Lan); đầu tư khu công nghiệp đa năng Đầm Nhà Mạc và hệ thống hạ tầng kho bãi, logistics… Ngoài ra, còn có các dự án phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại như: Dự án xây dựng sân golf tại xã Hoàng Tân; xây dựng hạ tầng khu đô thị phức hợp, tổ hợp thương mại, vui chơi, giải trí (Vingroup). Do đó, tỉnh mong Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương ủng hộ, sớm phê duyệt Đề án “Thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh”, bổ sung Quảng Yên vào Quy hoạch khu kinh tế ven biển Việt Nam.
Về triển khai Luật Quy hoạch 2017, đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia (Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia), quy hoạch vùng để cấp tỉnh có cơ sở triển khai lập Quy hoạch tỉnh.
Ông Lưu Công Thành, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh:
“Chính quyền địa phương dám thực hiện, doanh nghiệp sẽ dám đầu tư”
Quảng Ninh là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý mà không phải nơi nào cũng có được. Bên cạnh đó, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có rất nhiều chủ trương đột phá, phù hợp thị trường và xu thế của thế giới, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Ninh đang phát triển đúng hướng, phù hợp nguyên tắc thông thoáng, công bằng, minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh.
Trên thực tế, tôi nhận thấy lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khá quan tâm tới các doanh nghiệp tại tỉnh, luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển cũng như sẵn sàng tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp. Đây chính là cú hích then chốt để tạo nên một diện mạo mới cho tỉnh Quảng Ninh – một môi trường đáng đầu tư kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.
Có thể nói, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chính là thước đo cho sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kết nối giao lưu học hỏi, và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi – các doanh nhân trẻ tại Quảng Ninh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực này của tỉnh, vì điều này góp phần không nhỏ giúp chúng tôi yên tâm tiếp tục đầu tư phát triển.
Trong thời gian tới, để Quảng Ninh giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số PCI, lãnh đạo tỉnh không chỉ cần tiếp tục duy trì các chỉ số đang dẫn đầu, mà cần cải tiến và sáng tạo hơn nữa các chính sách thu hút đầu tư cũng như các yếu tố trong thang điểm PCI.
Xu thế thị trường thay đổi và phát triển không ngừng, chắc chắn Ban lãnh đạo tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức, tuy nhiên tôi tin rằng, bằng sự nỗ lực, đồng lòng, sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp, Quảng Ninh sẽ tìm ra được lối đi đúng đắn nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chúng tôi vẫn hay nói đùa: “Chỉ cần chính quyền địa phương dám thực hiện, doanh nghiệp sẽ dám đầu tư”. Hiện tại, chúng tôi cảm thấy khá yên tâm khi lựa chọn đầu tư và phát triển tại tỉnh Quảng Ninh. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có càng nhiều nhà đầu tư chọn Quảng Ninh làm nơi đặt nền móng, tiền đề để phát triển.
Ông Cao Ngọc Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh:
Luôn đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp theo chỉ đạo tại các Nghị Quyết 02/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết số 36a/NQ-CP gắn liền với việc triển khai Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban Ngành và địa phương (DDCI).
Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế đến người nộp thuế; triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp”, hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập các thủ tục ban đầu về thuế, cung cấp thông tin các đại lý thuế, các đơn vị cung cấp phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử; Thành lập tổ tư vấn hỗ trợ trực tiếp cho người nộp thuế theo địa bàn cấp huyện được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Cục Thuế tỉnh đã thực hiện tốt công tác đăng ký thuế, khai thuế, kế toán thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế theo quy định, đồng thời tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho người nộp thuế nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2019, Cục Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc triển khai diện rộng hóa đơn điện tử và ban hành Kế hoạch triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo triển khai diện rộng hóa đơn điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.
Cục Thuế tỉnh đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và doanh nghiệp, đồng thời chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ đối với công chức, người lao động thuộc thẩm quyền trong công tác tiếp nhận và giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là công khai số điện thoại đường dây nóng, nhằm tăng cường kiểm tra giám sát về kỷ cương kỷ luật, tác phong, thái độ giao tiếp ứng xử của công chức thuế đối với người nộp thuế, nhất là công chức tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuế, thanh tra, kiểm tra người nộp thuế.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh:
Đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 575/KH-BQLKKT ngày 22/3/2019 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2019, định hướng đến năm 2021. Theo đó, 100% thủ tục hành chính (TTHC) được đưa vào tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; đăng ký thực hiện thẩm định và phê duyệt tại chỗ đối với 21/21 thủ tục thuộc thẩm quyền quyết định của Ban (đạt 100%); đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3 đối với 47/47 TTHC (đạt 100%). Tất cả các thủ tục được rà soát, điều chỉnh và xây dựng trình tự giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015 và được xây dựng phần mềm thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Ban Quản lý khu kinh tế đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao Chỉ số PCI, Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số DDCI. Trong đó, quán triệt cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian trong giải quyết các công việc, đặc biệt là việc giải quyết các TTHC.
Ban Quản lý khu kinh tế thường xuyên tiếp thu những ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, thực hiện tiếp nhận phản ảnh và xử lý vướng mắc của doanh nghiệp thông qua đối thoại trực tiếp và qua Cổng thông tin điện tử, giao lưu trực tuyến và tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp. Các hoạt động đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp đã được quan tâm, triển khai thực hiện như: Định kỳ hàng quý tổ chức Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, thường xuyên rà soát các hồ sơ, thủ tục pháp lý, tình hình triển khai thực hiện dự án và nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế...
Ông Ngô Tùng Dương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân:
Cần quy hoạch tổng thể về khu vực cảng và hậu cần sau cảng
Cảng muốn sôi động thì phải có tàu, tàu muốn vào cảng nhiều thì phải có hàng. Tuy nhiên, do chưa có các doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư chiến lược trong các khu công nghiệp của tỉnh mà đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên các nguồn hàng qua các cảng còn hạn chế, không đáp ứng được các chuyến tàu.
Trước thực tế nói trên, Tỉnh cần rà soát và quy hoạch lại các khu công nghiệp cũng như các khu hậu cần. Sau khi có quy hoạch, cần sắp xếp các dịch vụ logistics một cách khoa học và chủ động hơn. Hiện nay mỗi khi có hàng lại phải sang Hải Phòng kéo các dịch vụ vận tải, dịch vụ giao nhận sang. Rõ ràng nếu Quảng Ninh có các dịch vụ này, sẽ chủ động hơn nhiều.
Ngoài ra, các ngành cần có sự đồng hành, phối hợp với nhau chặt chẽ hơn để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp . Khi các doanh nghiệp thấy sự hỗ trợ hiệu quả của các cấp, các ngành, thì chắn chắn sẽ đầu tư.
Hiện nay về mặt thủ tục hải quan, tinh thần hỗ trợ gần như là tuyệt đối, thủ tục hải quan 24/7, bất kể giờ nào hệ thống điện tử sẵn sàng thông quan ngay. Tuy nhiên, nếu chỉ có Chi cục Hải quan nỗ lực hành động, thì chưa đủ, bởi còn liên quan đến các thủ tục khác.
Chẳng hạn như một lô hàng muốn ra khỏi cảng, nếu có chuyên ngành thì phải kiểm tra chuyên ngành, nhưng cơ quan chuyên ngành chỉ làm giờ hành chính. Do đó, cần có quy định giải quyết thủ tục một cách đồng bộ để giải quyết kịp thời thủ tục thông quan hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Doanh nhân Vương Sỹ Duy, giám đốc công ty CP Phát triển Vương Gia:
Tạo đòn bẩy thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
Công ty CP Phát triển Vương Gia chuyên cung cấp thiết bị mỏ, máy động cơ cho các tàu khách, tàu du lịch…có trụ sở chính đóng trên địa bàn TP Cẩm Phả. Công ty chúng tôi luôn được chính quyền thành phố quan tâm. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tham gia các buổi giao lưu với các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn để tìm hiểu xem các doanh nghiệp có những khó khăn gì để cùng tìm cách tháo gỡ. Hàng hóa của công ty luôn được thông quan khá nhanh chóng, các hóa đơn chứng từ của doanh nghiệp cũng được hoàn thiện cũng tương đối nhanh…
Dự kiến trong thời gian tới, Công ty Vương Gia sẽ chuyển các kho bãi của công ty tới khu công nghiệp TP. Cẩm Phả hoạt động lâu dài. Chúng tôi mong muốn chính quyền thành phố Cẩm Phả sẽ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp như miễn, giảm thuế... Được biết, đến thời điểm này thành phố vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể gì mà mới chỉ kêu gọi các doanh nghiệp chuyển ra khu công nghiệp.
Ngoài ra, TP. Cẩm Phả cũng nên đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng để các nhà đầu tư đến đây có thể yên tâm cống hiến lâu dài.
UBND thành phố Cẩm Phả nên dành cho Hiệp hội doanh nghiệp thành phố một phòng trên UBND thành phố và có một profile về các công ty lớn, làm ăn uy tín trên địa bàn để khi chính quyền tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì có thể giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư tại chỗ...
Ông Đoàn Văn Dũng, TGĐ Công ty Du thuyền Đông Dương:
Thúc đẩy du lịch sinh thái cộng đồng
Công ty Du thuyền Đông Dương phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch lữ hành quốc tế, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe cao cấp, dịch vụ city tour bằng xe điện, dịch vụ du thuyền cao cấp trên vịnh Hạ Long. Với những tiềm năng của du lịch Quảng Ninh, công ty chúng tôi cũng đang đi sâu vào phát triển du lịch cộng đồng như du lịch làng chài trên vịnh Hạ Long, du lịch làng quê Yên Đức và tới đây là du lịch miền núi tại Bình Liêu.
Chiến lược chuyển từ “nâu” sang “xanh” đã cho thấy tỉnh Quảng Ninh có một hướng đi rất đúng đắn khi khai thác tốt tiềm năng, đặc biệt là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Trong những năm qua, ngành du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ, một phần nhờ được hưởng lợi nhiều từ các chính sách. Quảng Ninh không những quan tâm đến doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Quảng Ninh cần dành thêm sự quan tâm trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái cộng đồng vì đây là một loại hình du lịch được khách nước ngoài rất ưa chuộng. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi không đủ kiến thức, quyền hạn để can thiệp, định hướng hay dẫn dắt cả một cộng đồng mà cần có “bàn tay” của chính quyền. Vì vậy, chính quyền nên có các cuộc trao đổi tháo gỡ cho doanh nghiệp về các chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể triển khai dự án ở các vùng sâu vùng xa.
Chúng tôi hiện đang vướng trong vấn đề quy hoạch không gian trong vùng và cần chính quyền chung tay hỗ trợ về chi phí giải phóng mặt bằng sạch. Ngoài ra, chúng tôi cũng vướng về hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các khoản đầu tư vì khoản đầu tư vào những vùng này có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ở đô thị.
Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh:
Một số kiến nghị với chính quyền tỉnh
Để hỗ trợ Chi cục Hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong việc thông quan, xuất khẩu hàng hóa, Chi cục Hải quan Quảng Ninh xin đề xuất như sau:
Thứ nhất, UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc nâng cấp lối mở Bắc Phong Sinh lên thành cửa khẩu chính; đàm phán với chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc đầu tư nâng cấp mở rộng cầu tràn Bắc Phong Sinh – Lý Hỏa, đồng thời sớm công bố cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) lên thành cửa khẩu song phương.
Thứ hai, Quảng Ninh cần thành lập Trung tâm dịch vụ logistics theo hướng là trung tâm dịch vụ cho phát triển kinh tế vùng, là cầu nối gắn kết giữa ASEAN với thị trường Trung Quốc thông qua các cảng biển Cái Lân, Hải Hà, Vạn Gia, Mũi Chùa; các Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, đặc biệt là Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Móng Cái. Đồng thời, tỉnh cần tập trung quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; tích cực tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhẹ có thế mạnh là dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, đồ mỹ nghệ.
Thứ ba, ngoài ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh cần có thêm những ưu đãi đối với doanh nghiệp đóng góp số thu lớn cho ngân sách; thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm