Là địa phương đầu tiên cả nước áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong nhiều dự án giao thông “khủng”, Quảng Ninh nổi lên như một “hiện tượng” về thu hút đầu tư hạ tầng giao thông.
Cách làm của Quảng Ninh trong huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng theo mô hình PPP đã được Trung ương đánh giá là tiên phong, táo bạo, tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá lớn trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Những dự án “chuột bạch”
Ông Hoàng Văn Huy (phường Giếng Đáy, Hạ Long, Quảng Ninh) quê gốc huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, trước đây mỗi lần có việc về quê, cả nhà ông phải ra QL 18 đón xe khách đi Hà Nội. Mỗi lần về quê, ông Huy mất cả nửa ngày mới di chuyển được chặng đường dài 160 km. Nhưng kể từ ngày khánh thành cầu Bạch Đằng, ông Huy chỉ mất 1,5 tiếng để di chuyển từ Hạ Long đến Hà Nội trên cao tốc Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội.
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là dự án giao thông đầu tiên cả nước được Chính phủ cho phép địa phương thực hiện huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ cơ chế tự huy động vốn đề làm đường cao tốc. Đây được coi là dự án “chuột bạch”, bởi vốn đầu tư làm cao tốc trước đây hoàn toàn là vốn ngân sách Trung ương do Bộ GTVT quản lý.
Sau thành công của dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, hàng loạt các dự án giao thông PPP khác của Quảng Ninh cũng lần lượt được đưa vào hoạt động như: Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường dẫn cầu Bắc Luân II, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái... Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong những công trình mang đậm dấu ấn đầu tư của tư nhân.
Có thể bạn quan tâm
14:20, 29/11/2019
14:12, 29/11/2019
13:27, 29/11/2019
13:14, 29/11/2019
Và một “cuộc cách mạng”
Các dự án giao thông thực hiện theo hình thức PPP đã chính thức đưa Quảng Ninh trở thành một “hiện tượng” trong thu hút đầu tư hạ tầng giao thông. Bởi chưa có một địa phương nào trong một thời gian ngắn có thể huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách lớn và đồng bộ như vậy. Cụ thể chỉ trong khoảng 6 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã huy động được khoảng 200 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội bằng cách lấy đầu tư tư dẫn dắt đầu tư công. Theo như đánh giá của sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, cứ 1 đồng vốn ngân sách thì sẽ “lôi kéo” được khoảng 8 – 9 đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đây là giải pháp hữu hiệu góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông, mô hình PPP của Quảng Ninh đã thực sự tạo ra “cuộc cách mạng” thu hút đầu tư hạ tầng ngoài ngân sách như: xây dựng các trụ sở làm việc của các cơ quan, sở, ngành, giao các công trình nhà nước đầu tư cho tư nhân quản lý,... Mặt khác, Quảng Ninh đã hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính chất đột phá, kết nối liên vùng, khu vực và hướng ra quốc tế. Bên cạnh đó, các công trình trọng điểm này được ví như một “ngòi nổ” để kích cầu cho du lịch phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Các địa phương cần học tập Quảng Ninh, vì tỉnh này là điển hình trong cả nước về đổi mới, đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông. Nhìn từ Quảng Ninh, có thể thấy các công trình giao thông mới đã tạo được bứt phá nhanh chóng, hình thành các cửa ngõ giao thông quan trọng để tỉnh kết nối với quốc tế. Đây là động lực để thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở”.