Điểm “yếu” trong thu hút người giỏi của Đà Nẵng
Việc lựa chọn nguồn nhân lực có bằng cấp, thờ ơ với người có kinh nghiệm thực tiễn đã mang lại nhiều ý kiến trái chiều trong chính sách thu hút người giỏi của TP Đà Nẵng.
Thu hút nhân lực chất lượng cao ở Đà Nẵng vẫn nặng về đào tạo trí thức và thu hút bằng cấp mà chưa đầu tư và quan tâm đào tạo kỹ năng làm việc thực tiễn - Đó là xác nhận của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về kết quả triển khai chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2019 (dự kiến diễn ra từ ngày 10 -12/12) xem xét, đánh giá.
Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Đà Nẵng triển khai từ năm 1998 bằng chính sách đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại TP.
Qua quá trình thực hiện, tùy theo tình hình cụ thể, chính sách thu hút được bổ sung, hoàn thiện qua từng giai đoạn nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự phát triển của TP ở thời điểm hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, đến nay, Đà Nẵng chưa thu hút được người có chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn nhân lực - yếu tố cho Quảng Ninh “cất cánh”
14:20, 29/11/2019
Nguồn nhân lực là chìa khóa cho sự phát triển của NCB
15:13, 22/11/2019
Chủ tịch Vietjet chia sẻ bí quyết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
12:23, 17/11/2019
Gỡ nút thắt nguồn nhân lực chất lượng cao
21:57, 08/10/2016
Thực tế, nhiều thành phố hàng đầu thế giới không còn quan trọng ứng viên phải sở hữu bảng điểm đẹp, thành tích học tập nổi trội hay tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc. Một tấm bằng tốt từ một ngôi trường danh tiếng, cơ hội việc làm sẽ mở rộng trước mắt. Điều này có thể đúng ở thời điểm nhiều năm trước, khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn vận hành theo mô hình cũ, thiếu đi tính linh hoạt, sáng tạo. Nhưng với sự phát triển và hội nhập không ngừng của nền kinh tế, nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ, năng động, giàu kỹ năng thực tiễn đã trở thành yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng giờ cần nhiều hơn một tấm bằng.
Nếu như thành phố cứ chăm chăm vào việc thu hút nguồn nhân lực có bằng cấp mà bỏ qua lực lượng có kinh nghiệm thực tiễn, thì chính sách thu hút người giỏi vẫn chưa thể phát huy được hiệu quả. Việc thu hút người giỏi đến làm việc tại thành phố cần phái xem xét ở cả chất và lượng. Đà Nẵng cần phải đứng trên góc nhìn của một nhà tuyển dụng, cần đánh giá công bằng khách quan để nguồn nhân lực đến làm việc tại thành phố có thể phát huy hết khả năng của mình.
Trong khi đó, nếu tiếp nhận nguồn nhân lực có kinh nghiệm thực tiễn đến làm việc, TP sẽ tiết kiệm được cả thời gian lẫn chi phí. Trong thời buổi kinh tế hội nhập, thành phố cần thay đổi chính sách thu hút nguồn nhân lực đến với thành phố làm việc. Cần chú trọng hơn vào lực lượng có kinh nghiệm thực tiễn, vì đó sẽ là nguồn nhân lực nòng cốt giúp thành phố phát triển.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đã nhận định rằng chính sách thu hút nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đề án, đối tượng đào tạo và thu hút hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhiều người vẫn có tư tưởng làm việc đến hết hợp đồng để tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn, hoặc chấp nhận bồi hoàn chi phí đào tạo tự gấp 5 lần xuống mức bồi hoàn 100% kinh phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.n