Trường Cao đẳng nghề Điện Biên: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với tạo việc làm là tiêu chí của Trường Cao đẳng nghề Điện Biên, đã tạo niểm tin, thu hút ngày một nhiều học sinh đến học nghề.
Tuy nhiên, theo TS Đoàn Thanh Quỳnh Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Điện Biên: Cái khó với một tỉnh miền núi như Điện Biên hiện nay, đó là chưa có các khu, cụm công nghiệp.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quy mô còn nhỏ lẻ, nhu cầu lao động qua đào tạo không nhiều, đặc biệt, lao động trong lĩnh vực công nghiệp. Trong khi, nhận thức chung của một số bộ phận nhân dân về học nghề và việc làm chưa đầy đủ, nên việc tuyển sinh và đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn.
Làm tốt tuyên truyền
Để mọi người dân hiểu và có cái nhìn đúng đắn trong lĩnh vưc đào tạo nghề, Trường Cao đẳng nghề Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn thể, các trường phổ thông trên địa bàn làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường; Đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của việc học nghề đến tận người dân.
Để thu hút được học sinh học nghề, trường đã bám sát nhu cầu việc làm để mở các nghề đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp với các ngành chuyên môn khảo sát, đánh giá nhu cầu việc làm, tránh tình trạng học sinh ra trường không tìm được việc làm.
Trường đã chủ động liên hệ với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh đang cần tuyển dụng lao động để đào tạo theo địa chỉ.
Với hình thức này, ngoài việc học theo khung chương trình tại trường, học sinh còn có điều kiện đi thực hành tại các cơ sở sản xuất có máy móc, thiết bị hiện đại, rèn luyện kỹ năng nghề.
Từ đó, chất lượng đào tạo nghề của Trường đã được nâng lên, đáp ứng được được các yêu cầu chất lượng của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, để nâng cao được chất lượng trong đào tạo nghề những năm qua, Trường đã vượt lên rất nhiều khó khăn.
Dẫu đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới các trang thiết bị thực hành. Nhưng so với thực tế vẫn chưa đáp ứng được. Do lĩnh vực dạy nghề nặng về thực hành, trong khi, công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp đổi mới quá nhanh, gây ra những khó khăn cho các trường nghề.
Nhưng vì sự tồn tại phát triển của Nhà trường và quyền lợi của học sinh trong những năm gần đây, trường đã tranh thủ được những nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và từ nguồn kinh phí của mình tập trung đổi mới nhiều thiết bị dạy thực hành hiện đại, đáp ứng nhu cầu chất lượng dạy và học.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Các bài giảng của Trường được biên soạn phù hợp với trình độ, năng lực của từng đối tượng người học, đặc biệt, học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, trình độ nhận thức chưa đồng đều cũng tiếp thu được nội dụng bài giảng tốt nhất.
Với đội ngũ giáo viên, được trường tạo mọi điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng đòi hỏi chất lượng giảng dạy ngày một cao. Trong năm, trường đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng cho 136 lượt người, trong đó, trên Đại học 5 người; Cao đẳng, trung cấp 8 người; thi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 là 18 người…
Có thể bạn quan tâm
Trường Cao đẳng nghề số 19: Xây dựng trường học không khói thuốc lá
16:05, 10/11/2017
Doanh nghiệp gặp khó khi tham gia đào tạo nghề
14:38, 16/11/2019
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhiều, giải ngân ít
11:14, 13/12/2019
Trong công tác đào tạo, trường đã xây dựng và duy trì kế hoạch ngay từ đầu năm học; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát trong giảng dạy và phát huy những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Riêng năm học vừa qua, trường đã nghiệm thu 01 đề tài và 13 sáng kiến. Các sáng kiến đều tập trung vào các mô hình thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, 1 sáng kiến thiết kế lắp đặt mô hình hộp số ly hợp trên ô tô của khoa cơ khí đạt giải khuyến khích Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI.
Trường cũng đã tổ chức thành công Hội giảng cấp cơ sở vòng 1, thu hút 73 giáo viên tham gia, kết quả trên 90% giáo viên đạt loại giỏi và khá. Vòng 2 cấp trường có 18 giáo viên tham gia, trên 70% giáo viên đạt khá, giỏi. Hội thi đã đánh giá thực chất giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Đến nay, Trường có 114 cán bộ giáo viên, trong đó, Tiến sỹ, thạc sỹ 20 người, Đại học 82 người, còn lại cao đẳng, trung cấp và các hệ khác.
Quy mô tuyển sinh đào tạo không ngừng tăng lên, năm học (2018 – 2019), Trường tuyển sinh đạt 183,4%, vượt chỉ tiêu giao. Hiện trường có 12 nghề trung cấp, 7 nghề cao đẳng gồm: công nghệ ô tô, hàn, điện công nghiệp, điện dân dụng, vận hành sửa chữa đường dây và trạm biến áp hiệu điện thế dưới 100 KV, công nghệ thông tin, tin học văn phòng, kỹ thuật xây dựng, kế toán doanh nghiệp… Trong đó, một số nghề đang có số học sinh theo học nhiều như nghề công nghệ ô tô, Điện công nghiệp.
Học sinh ra trường hàng năm tỷ lệ tìm được việc làm ngay đạt tỷ lệ cao, trên 80%, Trường Cao đẳng nghề Điện Biên đang góp phần đào tạo những lao động có tay nghề chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để làm tốt hơn việc đào tạo nguồn nhân lực, Nhà trường đang tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Trường đã tăng cường cho học sinh, sinh viên đi thực tập trải nghiệm thực tế, nâng cao tay nghề, ý thức, tác phong công nghiệp; hoàn thiện các kỹ năng nghề, tạo môi trường làm việc gắn với đầu ra việc làm cho HSSV. Trường còn mời các chuyên gia, kỹ sư tham gia vào quá trình đào tạo.