Nhiều doanh nghiệp khẳng định đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham gia đào tạo nghề như chính sách, khó khăn về tận dụng ưu đãi thuế.
Sáng nay (16/11) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” cùng với sự tham gia của các ban, bộ, ngành và 1.500 đại biểu.
Chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) lần lượt chỉ ra, đầu tiên về mặt chính sách, còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Khi ít doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi về thuế. Thêm vào đó, quy định người tham gia đào tạo ở doanh nghiệp phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng là rào cản lớn với doanh nghiệp.
“Thực tế, có nhiều người làm lâu năm trong lĩnh vực doanh nghiệp, họ hiểu rõ về ngành nghề trong lĩnh vực mình làm nhưng lại không có chứng chỉ sư phạm và không được tham gia giảng dạy. Đây là rào cản rất lớn bởi họ không thể truyền đạt kinh nghiệm và kỹ năng của mình được”, bà Minh nói.
Từ góc nhìn doanh nghiệp bà Cao Thị Quỳnh Giao (CEO VN Shipping Gazette, thành viên Ban Tư vấn đào tạo nghề logistics) nêu thực tế: Doanh nghiệp không muốn nhận sinh viên thực tập vì vướng luật. Theo đó, luật quy định làm việc từ một đến ba tháng, công ty phải đóng BHXH, ký hợp đồng lao động.
Là doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập chương trình chất lượng cao (theo mỗi năm học), tôn trọng luật thì dựa trên cơ sở nào để hợp tác? Người được phân công giảng dạy ở doanh nghiệp có chế độ gì cũng chưa rõ ràng.
Thêm vào đó, bà Giao chỉ ra hàng loạt các bất cập, rào cản ngay từ chính các quy định. Quy định người học nghề là từ 14 tuổi trở lên, hai bên phải ký hợp đồng đào tạo nghề. Tuy nhiên, độ tuổi lao động lại từ 15 tuổi trở lên (nếu 14 tuổi, học nghề mấy tháng, học xong sẽ… làm gì khi chưa đến tuổi lao động); không có quy định hướng dẫn cụ thể về hợp đồng đào tạo nghề về thời hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm mỗi bên.
Cũng theo bà Giao, hiện nay, cũng chưa có quy định về hình thức đào tạo tại chỗ của doanh nghiệp: đội ngũ giảng viên tại doanh nghiệp, tiêu chuẩn, chứng nhận, quan hệ lao động, hợp đồng lao động đối với nhóm lao động này… doanh nghiệp đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, hoặc nhà trường tuyển và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, vậy hợp đồng đào tạo và nghĩa vụ cụ thể các bên ra sao? Đặt cọc đào tạo như thế nào, nếu đào tạo xong, người lao động bỏ việc ở doanh nghiệp thì nhà trường có chịu trách nhiệm không?
TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, nêu câu hỏi: “Tại sao chúng ta có nhiều quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp, nhưng những quy định này vẫn chưa lôi kéo được sự tham gia thực chất của doanh nghiệp?”.
Có thể bạn quan tâm
18:57, 20/09/2019
00:10, 16/02/2019
Từ thực tế này, đại diện VCCI kiến nghị, cần tiếp tục sửa đổi các bộ luật liên quan, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp.
Ông Jurgen Hartwing, giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) đưa ra giải pháp quan trọng để doanh nghiệp đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cần có người đào tạo trong doanh nghiệp, công ty. "Lâu nay họ làm kỹ thuật chính, song có thể học thêm nghiệp vụ sư phạm để đánh giá sinh viên", ông Jurgen Hartwing chia sẻ.