Công nghiệp hỗ trợ ở Nghệ An: Vì sao chưa thể "bắt tay" với doanh nghiệp lớn?
Công nghệ lạc hậu, thiếu đội ngũ công nhân tay nghề kỹ thuật cao,…là những nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ ở Nghệ An chưa thể “bắt tay” với các doanh nghiệp lớn.
Vậy nhưng, để ngành nghề công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thực sự được các doanh nghiệp về “trú ngụ, làm tổ” ở Nghệ An thì cần nhiều vấn đề phải tháo gỡ.
Thiếu dự án đầu tàu
Đối với Nghệ An, là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ cũng được các Bộ, ngành TW quan tâm, thúc đẩy địa phương có nhiều bước đi, tạo đà cho ngành CNHT phát triển.
Đến nay, tỉnh Nghệ An cũng đã xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Nghệ An giai đoạn từ nay đến năm 2025. Mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất CNHT tăng bình quân 9-10%/năm để đến năm 2025 chiếm 10-12% giá trị toàn ngành công nghiệp, đến năm 2020, giá trị CNHT chiếm 20% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Nghệ An cũng phấn đấu đào tạo công nhân kỹ thuật cao tăng 5%/năm và chiếm 15% số lượng toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, trong chương trình phát triển CNHT, Nghệ An cũng ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực CNHT công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách công nghiệp hỗ trợ cần “thấu hiểu” doanh nghiệp
09:53, 25/12/2019
Kiến nghị giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ
00:00, 13/07/2019
Cần ưu đãi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo
07:00, 25/05/2019
Với các mục tiêu như vậy, có thể nhận thấy, nếu kỳ vọng này thành hiện thực thì tương lai ngành CNHT ở Nghệ An sẽ có nhiều “gam màu” khởi sắc trong tương lai.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì để kỳ vọng thành hiện thực đối với ngành CNHT ở Nghệ An thì nhiều yếu điểm tồn tại cần được địa phương sớm tháo gỡ. Bởi lâu nay, tỉnh Nghệ An vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để tháo gỡ vấn đề liên quan trong đó có việc chưa thể thu hút được các dự án đầu tàu về đầu tư.
Theo đại diện Sở Công thương Nghệ An thì mặc dù chỉ số phát triển công nghiệp có tăng nhưng riêng lĩnh vực CNHT vẫn đang ở mức khiêm tốn, giá trị sản xuất chỉ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 14% giá trị toàn ngành công nghiệp.
Công nghệ lạc hậu, thiếu đội ngũ công nhân tay nghề kỹ thuật cao, rào cản cơ chế còn tồn tại…là những nguyên nhân khiến CNHT ở Nghệ An chưa thể “bắt tay” với các doanh nghiệp lớn, trong đó có vốn đầu tư FDI.
Đây cũng là những tồn tại khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nghệ An vẫn không thể đủ điều kiện để liên kết, cung ứng thiết bị linh kiện, tham gia gia công hàng hóa, cung ứng vào chuỗi giá trị cho đối tác nước ngoài, tập đoàn kinh tế lớn trong khâu hoàn thiện sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Làm sao để “nối được vòng tay lớn”?
Lâu nay, lĩnh vực CNHT được xem là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, CNHT cũng là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu liên quan.
Sau khi gia nhập WTO, AFTA…Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành CNHT ở trong nước đến từng địa phương. Đây cũng là chủ trương nhằm giúp ngành công nghiệp có giá trị tăng trưởng bền vững, cắt giảm chi phí cho từng ngành, nghề công nghiệp.
Để “đi tắt, đón đầu” phát triển ngành CNHT thì Nghệ An vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình đó là nguồn nhân công lớn, có cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ Bắc – Nam đi qua…
Ngoài ra, về vị trí “địa kinh tế - địa chính trị” dành cho Nghệ An cũng khá đa dạng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để địa phương có thể tận dụng tối đa phát triển CNHT trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Từ những năm qua, nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực CNHT ở Nghệ An đã bắt đầu xuất hiện như linh kiện điện tử, may mặc, chế biến nông thủy sản, bao bì…
Đơn cử như lĩnh vực linh kiện điện tử - viễn thông gồm: Nhà máy điện tử Hitech BSE Việt Nam tại KCN Nam Cấm trị giá 30 triệu USD và Nhà máy Em-Tech Vinh được xây dựng tại KCN VSIP tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan cung cấp nguyên liệu phụ trợ cho 65 cơ sở, nhà máy may mặc trên địa bàn…
Qua thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến nay, Nghệ An cũng đã thu hút được khoảng 90 doanh nghiệp tham gia với trị giá đầu tư 50 triệu USD từ nguồn vốn FDI và 9.000 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực CNHT trên địa bàn.
Vậy nhưng, so với yêu cầu thực tế thì ngành CNHT mới chỉ chiếm xấp xỉ 14% giá trị toàn ngành công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An. Đây là con số khá khiêm tốn so với yêu cầu thực tế để tạo đà cho ngành CNHT Nghệ An thực sự phát triển đa dạng, bền vững trong thời gian tới.
Ngay như lĩnh vực xuất khẩu đá hoa trắng, nguồn tài nguyên hàng triệu m3 ở Nghệ An chủ yếu tập trung ở huyện Quỳ Hợp lâu nay vẫn đang được xuất khẩu theo kiểu “bán lúa non” vì không thể gia công, chế tác theo dây chuyền công nghệ cao được.
Lý do bởi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ đá hoa trắng nhưng việc tận dụng tối ưu công nghệ, hợp tác toàn diện với đối tác nước ngoài chưa sâu nên luôn phải phát triển theo kiểu “ăn xổi”, bán nguyên liệu thô. Điều này không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn khiến một lượng tài nguyên thô của địa phương không phát huy hết tác dụng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT cho khâu chế tác, sản xuất sản phẩm đá hoa trắng theo tiêu chí cao cấp nhưng cũng “đứt gánh giữa đường” do thiếu vốn, tiếp thị thị trường còn quá lạc hậu.
Hay như ngành mây tre đan xuất khẩu của Nghệ An vẫn đang phát triển theo kiểu chạy theo công nghệ của đối tác để giữ đơn hàng chứ chưa thể chủ động đổi mới dây chuyền, kỹ thuật mẫu mã. Mặc dù, Nghệ An là địa phương có nguồn nguyên liệu lớn về tre, lùng, nứa nhưng tỷ trọng hàng thành phẩm mây tre đan xuất khẩu thu về còn nhỏ giọt và chưa thể trở thành thế mạnh.
Chính vì vậy, cùng với các chương trình chính sách áp dụng cho ngành CNHT trong thời gian tới, Nghệ An cần chú trọng đầu tư “đúng, trúng” từng lĩnh vực này. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung thu hút dự án tầm cỡ cũng cần phải sớm thực hiện.
Đặc biệt, để tranh thủ “nối vòng tay lớn” với các bạn hàng, đối tác lớn trong và ngoài nước thì CNHT ở Nghệ An cần chủ động “đi tắt đón đầu” chứ không thể “đi sau, về trước” được.