Hải Phòng: Thiếu khu chăn nuôi tập trung
Bước sang năm 2020, TP Hải Phòng mới có 9/91 khu chăn nuôi tập trung.
Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, sẽ cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trừ nuôi động vật làm cảnh, trong phòng thí nghiệm và không gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, từ năm 2013, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi tập trung đến năm 2020 với 91 vùng. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, TP Hải Phòng mới có 9 khu chăn nuôi tập trung tại các xã: Tân Liên, Vĩnh An, Việt Tiến, Dũng Tiến, Trung Lập (huyện Vĩnh Bảo), Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng), Tân Viên (huyện An Lão), Hồng Phong (huyện An Dương), Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) với tổng 142 trang trại.
Trong khi đó, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, TP Hải Phòng hiện có 676 trang trại. Trong đó có 206 trang trại lợn quy mô nuôi thường xuyên 600 con/trang trại, 455 trang trại gia cầm quy mô thường xuyên 6000 con/trang trại. Chưa kể, còn khoảng 2.130 gia trại nuôi lợn với quy mô nuôi thường xuyên từ 10 đến 70 con, 500 gia trại nuôi gia cầm, quy mô nuôi thường xuyên từ 1.000 đến 2.000 con/hộ.
Trong số trang trại trên chỉ có 260 trang trại chăn nuôi có bản cam kết môi trường. Gần 50% trang trại chưa có hồ sơ môi trường, nhiều trang trại có bản cam kết bảo vệ môi trường nhưng không thực hiện đúng cam kết. Có gần 70% trang trại gia cầm chưa áp dụng công nghệ vi sinh trong xử lý đệm lót, phun nền chuồng và trộn thức ăn giảm mùi hôi. Đa phần các công trình bioga xử lý chất thải có diện tích nhỏ, không đáp ứng được quy mô chăn nuôi thực tế. Thậm chí nhiều công trình xuống cấp, gây rò khí, phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Thực tế, trong thời gian qua có rất nhiều nơi người dân có kiến nghị, “cầu cứu” chính quyền về những trang trại chăn nuôi trong khu dân cư phát tán mùi, nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Hơn 2 năm nay, hàng trăm hộ dân thôn A2, xã Kênh Giang (Thủy Nguyên, Hải PHòng) đã phải khốn khổ với mùi hôi thối, nồng nặc bốc ra từ nước thải của trang trại lợn thuộc Công ty TNHH Nhã Xinh nằm trong khu dân cư. Trang trại lợn của Công ty Nhã Xinh hoạt động từ năm 2017, có quy mô thường xuyên hơn 1.000 con. Toàn bộ nước thải từ hoạt động chăn nuôi đều được xả thắng qua con mương của thôn và đi ra sông Giá.
Theo người dân nơi đây, nước thải của trang trại này luôn bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực. Đặc biệt những ngày hanh khô, nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên càng nồng nặc.
Hay mới đây, người dân ở cụm dân cư số 3, thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện (huyện An Dương) phản ánh trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Hữu Sang ở cách cụm dân cư 30m không bảo đảm vệ sinh, xả chất thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Bao giờ khắc phục được ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc?
01:00, 23/12/2019
Hoàn thiện khung khổ pháp luật trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án
04:30, 04/12/2019
Nhiều bất cập trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án
04:30, 02/12/2019
Từ hoạt động chăn nuôi lợn của trang trại Nhã Xinh gây ô nhiễm môi trường, ông Lê Xuân Nghị - Chủ tịch UBND xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên) cho biết, hiện, huyện Thủy Nguyên dự kiến phát triển 2 vùng chăn nuôi tập trung tại xã Minh Tân và Chính Mỹ. Đề nghị UBND thành phố, UBND huyện Thủy Nguyên sớm ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường… cho các vùng chăn nuôi tập trung đó. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân về thuê đất, vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, theo hướng khép kín, bền vững, bảo vệ môi trường.
Để khắc phục tình trạng trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường không có cách nào ngoài việc phát triển cùng chăn nuôi tập trung theo quy định. Nhưng việc xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung của TP Hải Phòng hiện nay còn quá chậm. Thiết nghĩ, trong thời gian tới Hải Phòng cần có nhiều giải pháp tích cực hơn trong việc điều chỉnh, phê duyệt các khu vực chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư.