Nhiều bất cập trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sư, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. 02/12/2019 04:30

Mặc dù ô nhiễm môi trường và các hậu quả của nó đã và đang trở nên hết sức nghiêm trọng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường hiện gặp nhiều khó khăn.

Cho tới nay, trên cả nước hầu như rất hiếm khi có các tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do ô nhiễm môi trường được giải quyết tại Toà án.

Chỉ có hai vụ tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được Tòa án giải quyết

Cụ thể, mới có hai vụ tranh chấp được Toà án giải quyết.

Vụ thứ nhất: Trong tháng 9/2015, 11 doanh nghiệp chế biến hải sản hai lần xả thải gây ô nhiễm nước sông Chà Và ở thành phố Vũng Tàu, gây thiệt hại (cá chết) cho 33 hộ dân nuôi trồng thuỷ sản. Các hộ dân đã ngay lập tức yêu cầu Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giám định nguyên nhân cá chết và kết luận 76,64% do xả thải nhiễm độc của các doanh nghiệp nói trên. Các hộ dân cùng khởi kiện lên Toà án thành phố Vũng Tàu và được thụ lý trong cùng một vụ án.

Cá chết hàng loạt trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu do nguồn nước bị ô nhiễm

Cá chết hàng loạt trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu do nguồn nước bị ô nhiễm

Tham dự phiên toà ngoài các đương sự, luật sư còn có đại diện Viện Môi trường và Tài nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Bài Rịa – Vũng Tàu, UBND xã, Sở Tài nguyên – Môi trường (Sở TN-MT) tỉnh và Phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu. Bản án sơ thẩm ngày 22/12/2016 chấp nhận yêu cầu của 33 Nguyên đơn đòi 11 Bị đơn thanh toán tổng số tiền thiệt hại (tương đương 76,64% tổng yêu cầu khởi kiện) là 13.3 tỷ, bao gồm thiệt hại cá thương phẩm, con giống, thức ăn cho cá, nhân công và chi phí khác.

Các Bị đơn kháng cáo lên Toà án tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với lý do chính là không đồng ý với kết quả giám định của Viện Môi trường và Tài nguyên cũng như xác định thiệt hại theo cách tự tính của các Nguyên đơn. Ngày 01/08/2017, tại phiên toà phúc thẩm, các bên đã tự hoà giải nên Hội đồng xét xử ra bản án công nhận hoà giải thành của các bên, theo đó các Bị đơn sẽ chỉ phải trả cho các Nguyên đơn tổng số tiền là 5.5 tỷ đồng. Các Bị đơn phải thành toán toàn bộ án phí sơ thẩm và phúc thẩm.

Vụ thứ hai, từ năm 2007 đến 2017, do việc xả thải cả nước và khói của Công ty giấy Bắc Hà, khoảng 70 hộ dân của thôn 7 xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang đã bị thiệt hại về sức khoẻ (với nhiều người dân bị lở loét khi đi làm đồng và trên 60 người chết vì ung thư do khói bụi) và tài sản (với sản lượng lúa trên cánh đồng sử dụng nguồn nước tưới bị ô nhiễm sụt giảm 50%).

UBND xã Tăng Tiến đã có văn bản thông báo và yêu cầu xử lý lên UBND huyện và UBND tỉnh. Sở TN-MT Bắc Giang đã kiểm tra và bốn lần xử phạt hành chính bằng tiền đối với Công ty Bắc Hà do hành vi không có hệ thống xử lý chất thải và xả thải nước không qua xử lý đạt chuẩn.

Các yêu cầu đòi chấm dứt xả thải gây ô nhiễm và bồi thường thiệt hại của người dân với Công ty Bắc Hà không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công ty này chấp nhận. Tháng 8/2017 có 5 hộ dân (ban đầu), sau đó rút xuống còn 4 hộ dân đã khởi kiện tranh chấp ra Toà án thành phố Bắc Giang.

Tháng 2/2018, Toà án thụ lý các đơn khởi kiện: Có 2 Nguyên đơn tiếp tục rút Đơn khởi kiện. Còn 2 hộ dân tiếp tục theo kiện. Tuy nhiên sau khi các phiên toà được mở từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2019 thì 01 Nguyên đơn đã không thể tham dự đủ các phiên toà nên đã bị Toà án đình chỉ giải quyết đơn khởi kiện, chỉ còn 1 Nguyên đơn duy nhất là ông Thân Văn Cảnh tiếp tục vụ kiện qua các giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm.

Về yêu cầu khởi kiện, ban đầu các Nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại cả sức khoẻ và tài sản, sau đó do thấy không thể cung cấp được chứng cứ về thiệt hại sức khoẻ (mặc dù nhiều người đã từng phải điều trị tại bệnh viện) nên đã rút yêu cầu này; chỉ giữ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về lúa, quy thành tiền theo cách tự khai, được các hộ dân khác và Trưởng thôn xác nhận và UBND xã chứng thực chữ ký.

Nguyên đơn Thân Văn Cảnh đòi bồi thường thiệt hại là 73.500.000 đồng tính theo sản lượng lúa bị sụt giảm trong 10 năm và đơn giá luá trung bình tại địa phương, ông cũng yêu cầu Toà án buộc Công ty Bắc Hà phải di dời nhà máy gây ô nhiễm và thau rửa, làm sạch đất ruộng đã bị ô nhiễm.

Tại các phiên toàn sơ thẩm, mặc dù Nguyên đơn và các luật sư của Nguyên đơn đã đề nghị triệu tập đại diện UBND xã Tăng Tiến, UBND huyện Việt Yên, Sở TN-MT và UBND tỉnh Bắc Giang nhưng không có cơ quan nào cử người tham dự.

Bản án sơ thẩm đã tuyên vào ngày 31/01/2019 bác toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn với các lý do chính là: Thứ nhất, mặc dù Công ty Bắc Hà đã bị xử phạt hành chính do hành vi xảy thải gây ô nhiễm nhưng sau đó đã khắc phục bằng việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đồng thời, Nguyên đơn đã không chứng minh được rằng nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân của việc sụt giảm sản lượng lúa.

Công ty Bắc Hà xả thải khiến sản lượng lúa của người dân xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Người Hà Nội

Công ty Bắc Hà xả thải khiến sản lượng lúa của người dân xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Người Hà Nội

Thứ hai, Nguyên đơn tự tính các thiệt hại về tài sản nên không có căn cứ do không được cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận. Nguyên đơn đã kháng cáo lên Toà án tỉnh Bắc Giang. Theo yêu cầu của các luật sư, Toà án phúc thẩm đã triệu tập đại diện UBND xã Tăng Tiến, UBND huyện Việt Yên, UBND tỉnh và Sở TN-MT tỉnh Bắc Giang với vai trò “người có quyền và nghĩa vụ liên quan”, tuy nhiên tại phiên toà phúc thẩm ngày 27/06/2019 chỉ có đại diện UBND xã và Sở TN-MT tỉnh đến dự.

Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện UBND xã xác nhận việc gây ô nhiễm của Công ty Bắc Hà và gây thiệt hại về sản lượng lúa là đúng, trong khi đại diện Sở TN-MT tỉnh chỉ xác nhận Công ty Bắc Hà bốn lần bị xử phạt hành chính do xả thải không qua xử lý đạt chuẩn cho phép. Bản án phúc thẩm đã bác yêu cầu kháng cáo của Nguyên đơn và giữ nguyên các quyết định của Bản án sơ thẩm với các lý do tương tự.

Không có quy định chi tiết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Từ góc độ luật pháp, về thực chất cả hai vụ án nói trên đều không mang lại kết quả rõ ràng và câu trả lời xác thực cho câu hỏi rằng trong bối cảnh hiện nay, liệu các điều kiện và khả năng các yêu cầu dân sự về đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể giải quyết thành công bằng con đường tố tụng toà án hay không vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Tuy nhiên, ít nhất cả hai vụ án đã cùng chỉ ra các vướng mắc, khó khăn cả về pháp lý và thực tiễn, bao gồm khung khổ pháp luật và cơ chế thi hành, cho mục đích thực hiện bồi thường thiệt do ô nhiễm môi trường.

Theo đó, cả Bộ luật Dân sự 2005 và 2015 (BLDS) và Luật Bảo vệ môi trường 2014 đều có quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường với các nguyên tắc chính như sau:  Một là, chủ thể làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi không có lỗi.

Hai là, ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra, kết luận kịp thời.

Ba là, thiệt hại do ô nhiễm môi trường bao gồm ô nhiễm và suy thoái môi trường, thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản của tổ chức, cá nhân. Nghị định 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về xác định thiệt hại, cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thiệt hại về ô nhiễm và suy thoái môi trường, đồng thời quy định rằng việc bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản của tổ chức, cá nhân do ô nhiễm môi trường sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ pháp luật dân sự không có quy định chi tiết nào hơn về vấn đề này ngoài các quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của BLDS.

Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu chế tài về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường nói chung và bồi thường theo trách nhiệm dân sự do ô nhiễm môi trường nói riêng không có tính khả thi, dù bằng con đường hành chính hay tố tụng toà án, thì khả năng đưa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vào cuộc sống là rất thấp.

Đáng nói, trong vụ án môi trường ở Bắc Giang dù các tình tiết của vụ án khá rõ ràng (như có hành vi gây ô nhiễm môi trường, có thiệt hại phát sinh, cơ quan chính quyền đã tiến hành xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm), đồng thời có các luật sư có kinh nghiệm và tận tâm giúp đỡ nhưng các hộ dân là nạn nhân của hành vi gây ô nhiễm môi trường vẫn ở vị thế rất yếu và bất lợi khi khởi kiện dân sự và tranh tụng tại Toà án nhằm đòi bồi thường thiệt hại theo tranh chấp ngoài hợp đồng.

Do đó, người viết cho rằng đã đến lúc phải hoàn thiện khung khổ pháp luật và cơ chế, biện pháp thực thi liên quan đến khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều bất cập trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO