Tỉnh Hà Tĩnh cần tận dụng các FTA
Tỉnh Hà Tĩnh có sự phát triển toàn diện, nhiều ấn tượng. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, GRDP bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng, cao nhất Bắc Trung Bộ.
Mục tiêu vào TOP 20 tỉnh hàng đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, kế thừa kết quả đạt được các nhiệm kỳ trước, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả khá toàn diện.
Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 96,64% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 7.723 tỷ đồng, tăng 15,42%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 2 tháng đầu năm đạt 2.849 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh lựa chọn quan điểm phát triển “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Tĩnh.
Được biết, giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Hà Tĩnh định hướng xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2025 đạt 10 - 11% và thời kỳ 2026 - 2030 đạt trên 8,5%. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người nằm trong 20 tỉnh hàng đầu cả nước.
Cần tập trung đầu tư phát triển nền kinh tế số
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của Hà Tĩnh thời gian qua và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới của Hà Tĩnh tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh ngày 4/3.
Thủ tướng đặt ra một số vấn đề rằng, Hà Tĩnh trong cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số như thế nào? Hà Tĩnh tận dụng các FTA như thế nào? người dân và doanh nghiệp có hiểu được lợi ích của các hiệp định này chưa, từ đó, tìm ra một lợi thế cho Hà Tĩnh. “Các đồng chí cần tiếp tục xây dựng Hà Tĩnh thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Lễ hội Cam Hà Tĩnh
08:31, 22/12/2019
Hà Tĩnh đi đầu trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện
14:00, 24/12/2019
Hà Tĩnh rà soát toàn bộ các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt
15:13, 16/10/2019
Thủ tướng tin rằng, Hà Tĩnh có thể đạt được mục tiêu GRDP bình quân đầu người nằm trong 20 tỉnh hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập của Hà Tĩnh như kinh tế phát triển chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực.
Theo Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại của Hà Tĩnh chưa thực sự vững chắc, liên kết vùng, kết nối thị trường cũng còn khó khăn cũng như thế mạnh về du lịch cũng chưa được phát huy nhiều.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu trước năm 2025 phải tự cân đối được ngân sách; Phải tập trung tháo gỡ, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trọng điểm trên địa bàn; Phát triển công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, điện tử hóa tỉnh Hà Tĩnh, phát triển kinh tế số, chính phủ số tại Hà Tĩnh. Trong đó, tỉnh phải tích cực chủ động phòng chống dịch COVID-19, không để xảy ra trên địa bàn.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã nêu những khó khăn, hệ lụy trong quá trình triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét báo cáo Bộ Chính trị cho dừng dự án; chỉ đạo giải quyết tồn đọng, khôi phục phát triển kinh tế khu vực, bảo đảm đời sống ổn định cho nhân dân vùng ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, triển khai các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế địa phương; hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm đóng vai trò thúc đẩy liên kết phát triển vùng…
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh. Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ, Hà Tĩnh cần tiếp tục kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn ODA để thực hiện các công trình, dự án.