Du lịch An Giang: Tín hiệu phục hồi sau dịch

Vĩnh Sơn 04/05/2020 11:18

Du khách các nơi đổ về An Giang ngày một nhiều hơn đã cho thấy tín hiệu hồi phục du lịch ở địa phương này.

Theo ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp vào ngày 3/5, tại Miếu bà Chúa xứ Núi Sam, TP. Châu Đốc (An Giang) lượng khách đến viếng miếu, cúng Bà có đông hơn so với trước ngày nơi đây đóng cửa. Nhưng so với trước khi xảy ra dịch bệnh vẫn chưa đáng kể.

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty Cổ phần Du lịch An Giang: Bức tranh sáng sau tái cấu trúc

    Công ty Cổ phần Du lịch An Giang: Bức tranh sáng sau tái cấu trúc

    06:27, 30/08/2017

  • Công ty CP Du lịch An Giang: Doanh nghiệp hoạt động du lịch hàng đầu tỉnh An Giang.

    Công ty CP Du lịch An Giang: Doanh nghiệp hoạt động du lịch hàng đầu tỉnh An Giang.

    14:13, 22/11/2018

  • Rào cản

    Rào cản "ngáng chân" du lịch An Giang phát triển

    11:00, 09/07/2019

  • Cung đàn Trà Sư

    Cung đàn Trà Sư

    08:49, 04/05/2020

  • “Thịnh vượng” Trà Sư cho ngày trở lại

    “Thịnh vượng” Trà Sư cho ngày trở lại

    08:30, 28/04/2020

“Tiếp khách theo quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 là mỗi đợt vào cúng viếng Bà không quá 30 người nên cũng không tiếp được nhiều. Mặc dù An Giang là tỉnh được nới lỏng giãn cách xã hội nhưng tâm lý của bà con vẫn còn ngần ngại khi ra đường. Do vậy mà lượng khách đến đây chỉ lác đác”, ông Huỳnh Văn Đường - Trưởng ban Quản trị lăng miếu Núi Sam cho biết.

Cáp treo Núi Cấm chiều ngày 3/5.

Cáp treo Núi Cấm chiều ngày 3/5

Còn tại Khu du lịch Núi Cấm và Cáp treo Núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang), lượng khách đến tham quan ngày 3/5 cũng chỉ nằm ở con số vài trăm lượt, không đáng kể đối với những thắng cảnh nổi tiếng.

Anh Nguyễn Thành Lộc - 39 tuổi (nhà nằm trên đỉnh núi Cấm - Thiên Cấm Sơn thuộc ấp Vồ Đầu, xã An Hảo) cho biết, mặc dù những ngày nghỉ lễ nhưng lượng du khách đến núi Cấm tham quan không bằng cái lẻ của ngày thứ Bảy, chủ Nhật trước đây. Đường lên xuống núi Cấm và những con đường đến các vồ, điện, động, chùa… nổi tiếng trên đỉnh núi Cấm vốn nhỏ hẹp nhưng xe chạy lưa thưa.

“Trước khi dịch bệnh xảy ra, gia đình tôi có đến 5-6 người bán cơm, bánh xèo rau rừng ở khu vực tượng Phật Di Lặc mà bưng bán cho khách không kịp nghỉ. Vào ngày lễ bán kiếm được tới 8-9 triệu đồng, thấy ham. Còn bây giờ, mấy ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này chỉ có hai vợ chồng tôi bán, mà người nằm ngủ người canh chừng vì vắng khách. Có ngày bán được 500.000 đồng, ngày thì không bán được đồng xu nào”, anh Lộc chia sẻ.

Rảo quanh các ngôi chùa nổi tiếng và đẹp ở vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, PV thấy cũng chỉ lưa thưa khách đến cúng bái, tham quan. Có những ngôi chùa khách đến lai rai bằng xe gắn máy, thỉnh thoảng mới thấy chiếc ô tô du lịch. Có chùa vắng vẻ hẳn. Còn ở chùa Kim Tiên - ngôi chùa đẹp lộng lẫy thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên thì chưa mở cửa đón khách, vì còn phòng chống dịch bệnh. Mặc dù du khách lãng vãng đến tham quan, chụp ảnh ở ngôi chùa này.

Còn tại Khu du lịch Núi Két thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên thì cũng gánh chịu tình cảnh chung là… vắng khách. Nhưng so với các điểm du lịch trên vùng Bảy Núi (Thất Sơn) thì có khá hơn đôi chút.

Rừng Tràm Trà Sư - điểm du lịch đông khách nhất tại An Giang sau dịch Covid 19

Rừng Tràm Trà Sư - điểm du lịch đông khách nhất tại An Giang sau dịch Covid 19

Chỉ có một dấu hiệu phục hồi khá rõ nét được nhìn thấy ở Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư thuộc địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. “Hôm nay bán được khoảng 1.200 vé. Còn hôm qua (2/5) thì đông hơn, bán được khoảng 2.000 vé. Lượng khách đến đây bắt đầu đông trở lại và tình hình du lịch có dấu hiệu phục hồi khả quan ở đây”, một người làm việc tại Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư cho hay.Nhìn chung, khách du lịch đến An Giang đang có dấu hiệu phục hồi sau mùa dịch bệnh, nhưng chưa mạnh mẽ và thiếu đồng bộ. Nơi còn khá vắng vẻ và có nơi cũng đã đông hơn. Các cửa khẩu trên vùng biên giới của tỉnh An Giang vẫn đang đóng và kiểm soát nghiêm ngặt. 

Vĩnh Sơn