Thừa Thiên Huế: Mục tiêu vào nhóm có năng lực cạnh tranh cao của cả nước
Đó là chia sẻ của ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo kết quả đánh giá PCI năm 2019 của VCCI, với số điểm tổng thể là 66.50, Thừa Thiên Huế tăng 2.99 điểm so với năm ngoái và đây là năm có số điểm cao nhất trong 15 năm qua.
Trong đó, có 7 chỉ số tăng điểm và 3 chỉ số giảm điểm, kết quả xếp hạng chỉ số PCI của TT.Huế năm 2019 tăng 10 bậc so với năm 2018.
Đáng chú ý, năm 2019, một số chỉ số được đánh giá tốt hơn nhiều so với 2018 như: Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Đào tạo lao động. Kết quả này chính từ sự quyết liệt và chủ động của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến các địa phương, phường, xã.
- Thưa ông, theo kết quả đánh giá PCI năm 2019 của VCCI, với số điểm tổng thể là 66.50, Thừa Thiên Huế tăng 2.99 điểm so với năm ngoái và đây là năm có số điểm cao nhất trong 15 năm qua. Điều gì đã làm nên kết quả này, thưa ông?
Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, những hạn chế trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, sự chậm tiến độ của các dự án hạ tầng trọng điểm đã làm ảnh hưởng đến tiến trình cải thiện môi trường đầu tư mà tỉnh đang nỗ lực thực hiện.
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nâng hạng PCI với cách làm cụ thể, trong đó, tỉnh xây dựng các mục tiêu cụ thể về vị trí xếp hạng của các chỉ số thành phần, trên cơ sở đó các ngành sẽ phải xây dựng kế hoạch hoạt động cho chính mình và trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kế hoạch triển khai cũng như kết quả đạt được.
- Được biết, Thừa Thiên Huế phấn đấu duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về Chính quyền điện tử, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nằm trong nhóm tốt nhất của cả nước. Theo ông, yếu tố nào sẽ quyết định sự thành công của mục tiêu này?
Với mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, thân thiện, hiện đại và hiệu quả, những năm qua tỉnh đã tổ chức vận hành tốt Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện, tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
Trung tâm hành chính công của địa phương thực hiện số hóa và xác thực điện tử hồ sơ của công dân, doanh nghiệp, đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền nhằm thực hiện giảm hồ sơ cần phải nộp của công dân, tổ chức khi thực hiện TTHC, góp phần quan trọng giảm hồ sơ, chi phí cho công dân, tổ chức khi thực hiện TTHC và quan trọng nhất là trực tiếp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ hành chính công mức độ 3,4; đây là cơ sở quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu công dân phục vụ chính quyền điện tử trong thời gian tới.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả chính quyền thông minh gắn với triển khai các dịch vụ đô thị thông minh. Mô hình Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được giải thưởng Viễn thông Châu Á ở hạng mục Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á.
Bên cạnh những việc đã làm được, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn với sự “vận hành” của cả bộ máy, tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tập trung việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến nhằm cắt giảm các thành phần hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định, đặc biệt đối với thủ tục đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Mặt khác, tập trung xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện; Tiếp tục triển khai Đề án Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã ở 152/152 xã, phường, thị trấn.
Thừa Thiên Huế không chỉ phấn đấu duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về Chính quyền điện tử, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nằm trong nhóm tốt nhất của cả nước, mà thực hiện các giải pháp cải thiện vị trí thứ hạng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số PCI và triển khai hiệu quả chỉ số DDCI.
- Vậy, tỉnh đã và đang triển khai những giải pháp nào để thực hiện hóa mục tiêu trên cũng như tiếp tục nâng cao chỉ số xếp hạng PCI so với khu vực và cả nước, tạo niềm tin và động lực thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại Huế nhiều hơn, thưa ông?
Hiện, UBND tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, cụ thể:
Thứ nhất: UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 23/4/2020 nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Đảm bảo duy trì vị trí xếp hạng PCI tỉnh ở nhóm tốt hoặc nhóm trên của nhóm khá. Với nhiều giải pháp cụ thể được triển khai đồng bộ tại tất cả các sở ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đơn vị.
Thứ hai, ban hành các quyết định về kiện toàn Hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải tỏa và tái định cư trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, hình thành và đưa vào hoạt động Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho DNNVV để xem xét hỗ trợ cho vay đầu tư vào dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư làm đầu mối hỗ trợ 24/24 giờ với các nhà đầu tư của dự án trọng điểm và nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại địa bàn tỉnh, nhằm tạo môi trường thông thoáng, liên thông, một cửa hỗ trợ các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng,…
Thứ năm, thành lập các Tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát để tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp giải quyết đối với các dự án hạ tầng trọng điểm triển khai chậm tiến độ kèm theo Kế hoạch cụ thể triển khai.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm.
Cùng với đó, minh bạch, công khai chính sách, tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2019, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đối thoại với doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp như: Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn Du lịch thông minh và bền vững, Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh, Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp; Duy trì kênh đối thoại trực tuyến “Trao đổi và tháo gỡ” được tổ chức định kỳ 02 tháng/01 lần do Chủ tịch, Phó Chủ tịch chủ trì theo chủ đề được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm…
Với những cách làm, giải pháp trên, tôi tin rằng Thừa Thiên Huế sẽ có những bước chuyển mình mới, tiếp tục phấn đấu vào top đầu những tỉnh thành có năng lực cạnh tranh cao và tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa những nhà đầu tư năng lực đến với Huế.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thừa Thiên Huế: Xây dựng chương trình kích cầu du lịch
10:08, 07/05/2020
Thừa Thiên Huế: Cuốn chiếu và minh bạch gói hỗ trợ an sinh xã hội "COVID - 19"
05:05, 13/04/2020
Thừa Thiên Huế: Sớm “gỡ khó” cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ COVID-19
00:47, 06/04/2020
Thừa Thiên Huế: Tham vọng trở thành đầu tàu khởi nghiệp của cả nước
04:22, 11/02/2020
Thừa Thiên Huế: Tạo giá trị cạnh tranh riêng biệt - hút đầu tư theo chiều sâu
10:24, 23/12/2019
Thừa Thiên Huế: Mục tiêu nâng hạng vào top đầu PCI cả nước
00:00, 18/12/2019
Thừa Thiên Huế: Giữ vững vị thế, thương hiệu quốc tế của Festival
16:22, 17/12/2019