Lạng Sơn: 7 hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tỉnh Lạng Sơn xác định phát triển toàn diện lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.
Là tỉnh miền núi, biên giới Đông Bắc, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Mặc dù quy mô kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng kinh tế còn thấp, năng lực sản xuất hàng hóa, năng suất lao động còn thấp, mặt bằng dân trí còn hạn chế, nhưng thời gian qua, kinh tế nông nghiệp của tỉnh Lạng Sơn đã bước sang một giai đoạn mới, khả quan hơn.
Điển hình, tỉnh đã hình thành khá rõ nét một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất mới khá tích cực; công tác khuyến nông, khuyến lâm có tiến bộ; các loại cây trồng có giá trị kinh tế được đầu tư mở rộng diện tích, cơ cấu mùa vụ có chuyển biến khá rõ nét như cây na, hồi, quế, cây có múi…
Để tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, tỉnh Lạng Sơn xác định phát triển toàn diện lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.
Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025.
Được biết, đối tượng của Nghị quyết áp dụng đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã, nông dân, chủ trang trại; người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác; cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Trong đó, điều kiện được hưởng chính sách của Nghị quyết bao gồm: Dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và các quy định khác có liên quan và các quy định tại Nghị quyết này; Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Nhà đầu tư thực hiện thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND quy định 7 nội dung hỗ trợ, cụ thể: Thứ nhất, Nghị quyết quy định hỗ trợ lãi suất tín dụng; Thứ hai, Nghị quyết quy định hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, sản xuất hàng hóa tập trung; Thứ ba, Nghị quyết quy định hỗ trợ đầu tư cơ sở: Bảo quản, chế biến nông lâm sản; giết mổ gia súc, gia cầm; Thứ tư, Nghị quyết quy định hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; Thứ năm, Nghị quyết quy định hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Thứ sáu, Nghị quyết quy định hỗ trợ thành lập mới và đưa trí thức trẻ về làm việc tại Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Thứ bảy, Nghị quyết quy định hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án.
Để Nghị quyết đi vào thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên tại địa phương, chiều 29/5, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND tới các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố để năm bắt, triển khai đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Mục đích của Nghị quyết là để đầu tư phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, trong năm 2020, mỗi huyện chọn ra ít nhất từ 5-7 cá nhân, tổ chức được thụ hưởng chính sách này.
Xác định việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các bên, đặc biệt là đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng đảm bào đầu ra ổn định cho các sản phẩm, tại Hội nghị đại diện các sở, ngành và các huyện đã đưa ra những định hướng cụ thể để cùng thảo luận, trao đổi về nội dung này.
Về phía Ngân hàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh bà Vy Thị Hoa đã đưa ra những thông tin chi tiết về trình tự, thủ tục hồ sơ hỗ trợ lãi suất tín dụng và quán triệt các Ngân hàng Thương mại hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng hưởng chính sách của Nghị quyết được tiếp cận vốn vay nhanh, mang lại hiệu quả cho các mô hình sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Lạng Sơn: Khoanh vùng những trở ngại để cải thiện môi trường đầu tư
14:38, 28/05/2020
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu trung chuyển hàng hóa
17:42, 26/05/2020
Lạng Sơn: Hỗ trợ doanh nghiệp biến “nguy thành cơ” để phục hồi và phát triển
17:30, 19/05/2020
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Nguy cơ "vỡ trận"
06:00, 18/05/2020