Doanh nghiệp Hà Nội chứng minh sức bền qua COVID - 19
Đại dịch Covid-19 vừa qua chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%, cao hơn bình quân cả nước và cả TP.HCM
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trung ương vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 23/6.
Ông Tú cho rằng, Hà Nội phải khẳng định là một trung tâm kinh tế, là đầu tầu của cả khu vực, do đó Báo cáo chính trị cần đánh giá sâu hơn và thỏa đáng hơn vấn đề này. Cụ thể về tín dụng, Hà Nội là địa phương có mức tăng trưởng rất nhanh, chiếm hơn 34% tổng mức huy động tín dụng của cả nước.
Cùng với huy động vốn, tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của Hà Nội cũng cao nhất cả nước. Như vậy, trong phần đánh giá cần nêu bật nội dung này để khẳng định nền kinh tế của Hà Nội rất bền vững.
“Thực tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua cũng chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%, cao hơn bình quân cả nước và cả TP.HCM, điều này chứng tỏ doanh nghiệp Hà Nội vẫn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đây là một thành tựu lớn của thành phố”, ông Tú nói.
Đồng quan điểm, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc nhất các chỉ tiêu của ngành, là địa phương đóng góp cao nhất vào sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia 5 năm qua.
Trong đó, mức tăng thu ngân sách bình quân hằng năm của cả nước từ 12 đến 14%/năm, nhưng Hà Nội tăng 16%/năm. Hà Nội cũng điều hành ngân sách rất an toàn với dự phòng thường xuyên 15-17 nghìn tỷ đồng, nợ công ở mức 11.000 tỷ đồng.
“Tính đến nay, thu ngân sách của Hà Nội đã đạt 40% dự toán, mặc dù Thành phố đã gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp với số tiền lên tới 17.200 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số 37.000 tỷ đồng tiền thuế được gia hạn hỗ trợ doanh nghiệp trên cả nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, với kết quả 6 tháng đầu năm 2020 và các giải pháp trong thời gian tới, Hà Nội chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu đã báo cáo với Chính phủ là tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần so với GDP cả nước, đạt 6-6,5%.
Bởi trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tài chính, kinh tế lớn trên thế giới đều dự báo, kinh tế thế giới không thể tăng trưởng trên 3% như dự báo ban đầu. Khả năng sẽ tăng trưởng âm từ 1% đến 0%, thậm chí thấp hơn. “Từ đó khẳng định mức độ tăng trưởng theo dự báo nêu trên của Hà Nội là rất ấn tượng”, ông Tuấn nói.
Về các nội dung định hướng nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị thành phố đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị đã được chuẩn bị nghiêm túc, trí tuệ, kết cấu chặt chẽ; nội dung có hàm lượng thông tin cao, đánh giá khá toàn diện kết quả thực hiện, thể hiện tầm quan trọng, vai trò lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội đối với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ qua. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 đã thể hiện được khát vọng phát triển rất cao của thành phố.
Có thể bạn quan tâm