Vĩnh Phúc đặt chất lượng dự án quan trọng hơn số lượng
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan chia sẻ với DĐDN về chiến lược thu hút các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc thời gian tới.
Mặc dù 6 tháng đầu năm 2020, Vĩnh Phúc cũng như cả nước có gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng tỉnh vẫn triển khai thủ tục pháp lý để trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại 5 khu công nghiệp, gồmThái Hòa – Liễn Sơn, Lập Thạch 1, Lập Thạch 2, Đồng Sóc, Sông Lô – Nam Bình Xuyên.
Với tổng diện tích mỗi khu công nghiệp khoảng 250 -300 ha, Vĩnh Phúc đã có hơn 1.000 ha đất để đón làn sóng đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chuẩn bị một cơ số đất sạch để giao ngay cho doanh nghiệp, như khu công nghiệp Bá Thiện.
Sẵn sàng đón “sóng”
“Trước sự chuẩn bị chu đáo của Vĩnh Phúc về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ rất tâm đắc và mong muốn tìm kiếm những doanh nghiệp lớn giới thiệu cho Vĩnh Phúc”,Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan bày tỏ.
Với những khu vực vẫn còn dư địa, tỉnh yêu cầu nhanh chóng giải phóng mặt bằng, như cụm công nghiệp Đồng Sóc với diện tích 75 ha, Sumitomo hơn 100 ha…
Và để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Phúc, tỉnh đã đưa điện, nước sạch, nước thải đi trước một bước. “Vấn đề của Vĩnh Phúc bây giờ là lựa chọn doanh nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn và tiêu chí để cấp giấy chứng nhận đầu tư”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nói.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm cung cấp cho các khu công nghiệp. Thực tế, tại các địa phương đang rất khan hiếm lao động, trong đó có lao động chất lượng cao.
Do đó, Vĩnh Phúc đã có chiến lược thu hút nguồn lao động từ các tỉnh, thành trên cả nước về Vĩnh Phúc. Bằng những giải pháp cụ thể như xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, tổ chức xe ô tô đưa đón công nhân…
Bên cạnh việc gấp rút chuẩn bị hạ tầng cơ sở, quỹ đất sạch, Vĩnh Phúc cũng giải quyết nhanh gọn cho doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư.
Đánh giá về thời gian làm thủ tục đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, nếu doanh nghiệp đã tìm được địa điểm để đầu tư, thủ tục chỉ mất tối đa từ 3 đến 5 ngày.
Với doanh nghiệp trong nước tỉnh sẽ xử lý ngay trong ngày, còn doanh nghiệp FDI do phải giải quyết nhiều thủ tục nhưng tỉnh cố gắng chỉ trong vòng từ 3 đến 5 ngày.
Đối với những dự án phải chờ thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM), liên quan đến thẩm quyền của Thủ tướng, tỉnh cũng sẽ cố gắng đưa ra các giải pháp để sớm đẩy nhanh tiến độ.
Chọn dự án phát triển bền vững
Vẫn theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, khó khăn lớn nhất với Vĩnh Phúc tại thời điểm này là phải lựa chọn các nhà đầu tư.
Nếu nhìn tổng số các doanh nghiệp đầu tư tại các địa phương hiện nay, đơn cử như Bình Dương với khoảng 5.000 - 6.000 doanh nghiệp FDI, Đồng Nai cũng lên đến hàng nghìn doanh nghiệp. Trong khi Vĩnh Phúc chỉ có 300 doanh nghiệp.
Không như các địa phương khác trong việc mở rộng hình thức thu hút các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc lấy số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho tỉnh làm thước đo chuẩn. Hiện nay, số thuế thu nhập doanh nghiệp và số thuế thu nhập cá nhân của Vĩnh Phúc cao hơn Bình Dương.
“Tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Phúc có lãi trên 90%, trong khi các tỉnh khác chỉ 20 - 30%. Điều này thể hiện rằng, Vĩnh Phúc đặt chất lượng dự án quan trọng hơn số lượng dự án”, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.
Nói như vậy không có nghĩa các tỉnh khác thu hút đầu tư ít chất lượng hay bằng mọi giá, vấn đề là để một dự án có thể vào được Vĩnh Phúc là phải trải qua sự sàng lọc kỹ càng, thậm chí rất khắt khe.
Trên thực tế, Vĩnh Phúc đã từng từ chối một dự án 400 triệu USD, mặc dù đã được đánh giá ĐTM của Bộ Tài nguyên & Môi trường, nhưng tỉnh vẫn ra văn bản từ chối, vì trong tất cả các tiêu chí đánh giá, có một tiêu chí dự án không đảm bảo và không cam kết ngăn chặn tỷ lệ rủi ro được 100%.
“Nếu chỉ 1% xảy ra rủi ro thì Vĩnh Phúc sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nên chúng tôi đã quyết định từ chối dự án này”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan thẳng thắn.
Thậm chí có nhiều dự án lên đến hàng trăm triệu USD, nhưng cơ cấu sử dụng lao động cao, sử dụng nhiều đất đai thì Vĩnh Phúc cũng cương quyết từ chối.
Có thể bạn quan tâm