Sản phẩm OCOP Nghệ An: Gắn sao vẫn lao đao
Với đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu, Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản để cung cấp ra thị trường.
Nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, thậm chí được gắn sao OCOP nhưng đầu ra vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Chật vật đầu ra
Theo kế hoạch, trong năm 2020, cả nước sẽ cố gắng chuẩn hóa, công nhận thêm 1.200 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2018-2020 cả nước có khoảng 2.400 sản phẩm đạt chuẩn.
Tính đến tháng 6/2020, thực hiện chương trình theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Nghệ An đã có 48 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao.
Qua tìm hiểu, để thực hiện chương trình OCOP, với đặc thù riêng, Nghệ An có hàng trăm sản phẩm có thể được công nhận đạt chuẩn theo nội dung này.
Dù nhiều sản phẩm ở tỉnh Nghệ An đã được công nhận đạt chuẩn OCOP, được gắn sao, nhưng sức tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế chính sách, truyền thông cho sản phẩm thiếu đồng bộ...
Tuy nhiên sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gắn sao thì sức tiêu thụ lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử như sản phẩm trứng gà Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, chè xanh Thanh Chương (HTX Nông nghiệp và chế biến chè Thanh Đức), dược liệu Pù Mát (Công ty CP Dược liệu Pù Mát)… đều gặp khó khăn khi ra thị trường.
Theo chủ sở hữu của các sản phẩm đạt chuẩn OCOP nói trên, để “đứa con tinh thần” của họ có chỗ đứng trên thị trường, họ đang phải tự tìm đầu ra hoặc phân công cho các thành viên trong gia đình, HTX… đi bản lẻ ở chợ, cửa hàng theo mùa vụ. Tuy nhiên, sức tiêu thụ hết sức hạn chế, khiến nhiều cơ sở OCOP sau một thời gian được công nhận đạt chuẩn, đã dần bị suy yếu.
Đâu là giải pháp?
Ông Phan Xuân Diện – Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát cho biết, bản chất của sản phẩm OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra cho sản phẩm OCOP của Nghệ An gặp không ít khó khăn do cơ chế chính sách và truyền thông thiếu đồng bộ.
“Hầu hết sản phẩm OCOP đều do người dân, HTX, doanh nghiệp… ở vùng quê, nông thôn tự làm ra mang tính đặc thù riêng của từng địa phương, nên họ chưa hiểu hết như thế nào là OCOP. Mặt khác, hành lang pháp lý để sản phẩm này tiếp cận thị trường, hướng tới gắn sao để xuất khẩu vẫn đang chông chênh”, ông Phan Xuân Diện cho biết và nhấn mạnh, công tác kết nối, hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng cần phải khoa học, nâng tầm hơn nữa để hàng hóa sản phẩm OCOP lưu thông bền vững.
Theo đại diện Phòng Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Nghệ An thì khó khăn lớn nhất để sản phẩm OCOP có vị trí trên thị trường đó là việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, công tác thực hiện các chương trình hoạt động, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ còn bị hạn chế về kinh phí.
Trước vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiêm trưởng Ban điều hành OCOP tỉnh Nghệ AN, Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, cũng đã chỉ đạo các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong khâu đột phá trong xây dựng NTM của mình.
Thế nhưng, để cụ thể hóa các nhiệm vụ xây dựng sản phẩm OCOP phát triển bền vững thì Nghệ An cần phải xây dựng, phổ biến khung hành lang pháp lý, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, thực tế hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Bến Tre: Đẩy nhanh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP
00:33, 23/03/2020
Quảng Ninh: Quyết định đưa 65 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP
13:39, 25/02/2020
Hải Phòng: Năm 2019 “gắn sao” 12 sản phẩm OCOP
21:11, 27/01/2020
OCOP vẫn chờ... đếm sao
11:00, 07/01/2020
Năm 2020 OCOP tại Việt Nam sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có
12:00, 05/12/2019