Tỉnh Bến Tre sẽ hỗ trợ tối đa việc phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP.
Bến Tre là tỉnh đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bước đầu, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo động lực trong phát triển kinh tế nông thôn.
Qua hơn 1 năm triển khai, Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre đã tập trung phát huy thế mạnh của sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương trên cơ sở chuyển đổi các nhóm hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang hình thức liên kết tập thể, sản xuất tập trung vào sản phẩm có lợi thế của địa phương. Từ đó, tạo ra được nhiều sản phẩm thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tỉnh đã xây dựng và hoàn thành Đề án thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến năm 2030 và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thế mạnh phát triển theo định hướng OCOP của tỉnh tiếp cận các thị trường tiêu thụ tiềm năng; đặc biệt Bến Tre tích cực tham gia trưng bày các sản phẩm tại các Hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh.
Thông qua Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre, các chủ thể sản xuất sẽ được cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn cần đạt, từ đó so sánh với hiện trạng sản phẩm để có kế hoạch tổ chức sản xuất kinh doanh hợp lý, khoa học và hiệu quả. Đến nay, các sản phẩm dần được hoàn thiện theo hướng phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc gắn với cải tiến dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường… góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào các thị trường tiềm năng, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
Có thể bạn quan tâm
05:55, 19/03/2020
12:05, 12/03/2020
00:23, 02/03/2020
02:43, 20/02/2020
23:15, 17/11/2019
10:05, 17/11/2019
Mới đây, tỉnh Bến Tre đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP lần 2 với 37 sản phẩm của 20 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao. Theo đó, có các sản phẩm được xếp hạng 4 sao như: mặt nạ dừa dành cho mắt, dầu massage từ dừa (Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long), bột sâm Việt (Công ty cổ phần Sa sâm Việt), thạch dừa Minh Tâm (hộ kinh doanh Trần Minh Tâm), dừa sấy giòn vị tỏi ớt, dừa sấy giòn vị sữa, dừa sấy giòn vị gừng (Công ty TNHH Funny Fruit), kẹo dừa lá dứa sầu riêng, kẹo dừa đậu phộng sầu riêng, kẹo dừa cơm sầu riêng, kẹo dừa béo nước cốt dừa (Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Phụng), nhang sinh học Thiên Phúc (Công ty TNHH sản xuất thương mại sản phẩm Thiên Phúc), mắm tôm chua, tôm khô (Công ty cổ phần Anfoods), xoài sấy dẻo, đu đủ sấy dẻo (Công ty TNHH thực phẩm NODAVI), bưởi da xanh (Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre)…
Để giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong các kỳ Hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá ứng dụng công nghệ thông tin như: Lazada... tỉnh Bến Tre đã tổ chức một số Hội chợ chuyên đề về sản phẩm OCOP để giới thiệu, quảng bá sản phẩm như: Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre tại Siêu thị Big C An Lạc - TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất năm 2019 với sự tham gia của 23 tỉnh/thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Trong khuôn khổ Hội chợ, đã có 25 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các nhà phân phối là các siêu thị lớn ngoài tỉnh với một số doanh nghiệp tại Bến Tre.
Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng, có chất lượng tốt từ Chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước, có mặt trên một số chuyến bay quốc tế, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể, đóng góp quan trọng vào việc nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản tỉnh Bến Tre.
Song song đó, Bến Tre tập trung thực hiện phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ người dân hình thành tư duy, ý tưởng và phát triển các sản phẩm theo hướng chất lượng, đạt tiêu chuẩn sao của Bộ tiêu chí để hướng đến việc phát triển bền vững trong tương lai, góp phần tạo việc làm mới, ổn định thu nhập và ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.
Bên cạnh phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại các sản phẩm, thông qua Chương trình OCOP, Bến Tre đã nhìn nhận và định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, hiện đại, xanh - sạch - an toàn kết hợp với du lịch. Tỉnh đang khẩn trương xây dựng các mô hình liên kết phát triển du lịch nông thôn, xây dựng Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách cấp quốc gia để khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh đặc thù của địa phương, tạo dấu ấn đậm nét về sự khác biệt và điểm nhấn nổi bật để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương.
Với mong muốn cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai và tuân thủ đúng chu trình OCOP. Tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn các chủ thể kinh tế, người dân tham gia chương trình, đảm bảo sản phẩm có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, góp phần phát triển các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của địa phương.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Bến Tre, hướng phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2020 là phát huy tối đa việc phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương. Sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại, theo kế hoạch, mỗi huyện, thành phố sẽ có 1 điểm bán hàng OCOP.