Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đẩy mạnh phân quyền, nguồn thu đáp ứng nhu cầu phát triển

Thùy Linh 27/05/2025 03:30

Dự thảo Luật NSNN đã thể chế hóa nhiều chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định cũng như các chính sách đề ra trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân.

Sáng ngày 26/5/2025, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá cao Bộ Tài chính đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) qua thảo luận Tổ.

Qua nghiên cứu Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn rất hoan nghênh và đồng thuận cao với các ý kiến giải trình.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu góp ý dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu góp ý dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Lần sửa đổi này đại biểu nhận thấy dự thảo Luật đã thể chế hóa nhiều chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định cũng như các chính sách đã đề ra trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, cụ thể như: Hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương trước đây là 20% nay nâng lên 80%; mức bố trí dự phòng ngân sách nâng từ 2% - 4% lên từ 2% - 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, đáp ứng các nhiệm vụ chi đột xuất; tăng thẩm quyền phân cấp cho Chính phủ, HĐND, Thường trực HĐND và UBND cấp tỉnh, tạo điều kiện đồng bộ về chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội gắn với phân bổ nguồn lực...

Ngoài ra còn có những quy định như về tạm cấp ngân sách (Điều 50), ứng trước dự toán ngân sách năm sau (Điều 56), xử lý kết dư ngân sách nhà nước (Điều 71)... đều là những sửa đổi rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn, trong điều hành ngân sách không phải lúc nào cũng có sẵn ngân sách để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn thu, vì vậy, các quy định trên sẽ giúp cho địa phương điều hành ngân sách chủ động và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi, trách nhiệm giải trình.

Về các quy định cụ thể, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn đóng góp thêm 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, về Năm ngân sách, Điều 14 dự thảo Luật quy định: “Năm ngân sách bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch”. Ngân sách nhà nước có hai nguồn chi là nguồn chi thường xuyên và nguồn chi đầu tư phát triển, nguồn chi thường xuyên kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch, còn nguồn chi đầu tư phát triển kết thúc vào ngày 31 tháng 01 của năm sau.

Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, thời gian kết thúc chi hai nguồn ngân sách như trên chưa đồng bộ, gây ra áp lực chi nguồn thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách vào thời điểm cuối năm, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Để khắc phục tình trạng trên, tăng tính hiệu quả trong chi ngân sách, đại biểu kiến nghị nên quy định đồng bộ thời điểm kết thúc chi cả hai nguồn thường xuyên và đầu tư vào ngày 31 tháng 01 của năm sau là phù hợp nhất, kể cả thời gian chỉnh lý ngân sách.

Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp, tại điểm a, Khoản 1, Điều 30 dự thảo Luật quy định: “1. Căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế tại địa phương, quyết định:

a) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, bao gồm thu nội địa, thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại, bảo đảm không thấp hơn dự toán thu ngân sách nhà nước được cấp trên giao”. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng quy định giao cho HĐND dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bao gồm khoản thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu là chưa phù hợp vì đây là khoản thu hoàn toàn do Trung ương thu và Trung ương đưa ra chỉ tiêu, nếu giao cho HĐND tỉnh dự toán thu thì sẽ gây áp lực lớn cho chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc thu không đạt nguồn này trong khi nó nằm ngoài khả năng của tỉnh.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị nguồn thu từ xuất, nhập khẩu trực tiếp là nhiệm vụ của Bộ Tài chính và giao cho cơ quan Hải quan thực hiện thu, không nhất thiết do HĐND tỉnh quyết.

Thứ ba, về phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp, Điều 35 quy định nguồn thu của ngân sách trung ương, trong đó tại Khoản 2 quy định về các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đưa ra 2 Phương án.

Phương án 1:

a) Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại điểm c, điểm n khoản 1 Điều này), thuế thu nhập cá nhân thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 70% số thu trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 25% số thu trên địa bàn Thành phố Hải Phòng, Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Đồng Nai; 20% đối với các địa phương còn lại. Ngân sách từng địa phương hưởng tương ứng tỷ lệ phân chia phần còn lại;

b) Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ khoản hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 80% số thu trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 60% số thu trên địa bàn Thành phố Hải Phòng, Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Đồng Nai; 50% đối với các địa phương còn lại. Ngân sách từng địa phương hưởng tương ứng tỷ lệ phân chia phần còn lại;

c) Thuế bảo vệ môi trường thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 80%, ngân sách địa phương hưởng 20% số thu trên địa bàn;

d) Thuế giá trị gia tăng (không bao gồm số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng) thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 70%, ngân sách các địa phương hưởng 30%. Việc phân chia cho từng địa phương trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí trong từng giai đoạn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định;

đ) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%.

Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%;

e) Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền của trung ương cấp phép thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 70%, ngân sách địa phương hưởng 30%;

g) Trong tổ chức thực hiện, trường hợp có biến động lớn về thu, chi ngân sách nhà nước hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi ngân sách nhà nước giữa các địa phương cần phải điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu cho phù hợp, Chính phủ xây dựng lại phương án tỷ lệ phân chia các khoản thu quy định tại các điểm a, b, c, đ, e khoản này, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án 2:

a) Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu);

b) Thuế thu nhập cá nhân;

c) Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ khoản hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu;

d) Thuế bảo vệ môi trường;

đ) Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền của trung ương cấp phép;

e) Thuế giá trị gia tăng (không bao gồm số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng) thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 70%, ngân sách các địa phương hưởng 30%. Việc phân chia cho từng địa phương trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí trong từng giai đoạn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định;

g) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%.

Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%;

h) Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ cụ thể phân chia từng khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản này đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tỷ lệ được ổn định lâu dài để chủ động ngân sách địa phương, trình Quốc hội quyết định.

Trong trường hợp có biến động lớn về thu, chi ngân sách nhà nước hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi ngân sách nhà nước giữa các địa phương cần phải điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu cho phù hợp, Chính phủ xây dựng lại phương án tỷ lệ phân chia các khoản thu quy định tại điểm a, b, c, d, đ, g khoản này, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong Phương án 1, điểm c quy định:“Thuế bảo vệ môi trường thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 80%, ngân sách địa phương hưởng 20% số thu trên địa bàn”. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ này là 60%-40%, nếu điều chỉnh với tỷ lệ như dự thảo Luật đại biểu cho rằng phải cân nhắc thận trọng vì sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách địa phương (tỉnh, thành chỉ còn hưởng 20% là chưa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường hiện nay).

Quan điểm của đại biểu Nguyễn Trúc Sơn là ủng hộ Phương án 2. Tuy nhiên, đối với quy định tại điểm g “Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%”, đại biểu kiến nghị nên điều chỉnh theo tỷ lệ này là ngân sách địa phương hưởng 90%, ngân sách Trung ương hưởng 10%. Tỷ lệ này cũng phù hợp với chủ trương Chính phủ cho các tỉnh vay lại chỉ 10%.

Cũng tại khoản 2, Điều 74 về quy định điều khoản chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định: “Đối với quy định về phân chia khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện từ năm ngân sách 2026”, đại biểu đề nghị nên cân nhắc thời gian áp dụng sau năm 2026 để các tỉnh, thành mới được sáp nhập có thời gian sắp xếp, ổn định và áp dụng thống nhất bảng giá đất mới.

Cuối cùng, tại Điều 58 về xử lý tăng thu, khi địa phương có nguồn tăng thu, theo quy định hiện hành là tỉnh, thành dành 70% nguồn tăng thu để bổ sung nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương, 30% chi đầu tư và các nhiệm vụ khác.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn đề nghị nên cân bằng mức 50-50, tăng chi đầu tư từ 30% lên 50% vì nếu dành đến 70% chi cải cách tiền lương là quá lớn, trong khi nhu cầu chi đầu tư là rất nhiều, thiếu nguồn nên dành nguồn tăng thu ngân sách để các địa phương có nguồn chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án đầu tư công cấp bách, phát sinh hoặc có trong Kế hoạch đầu tư công mà thiếu nguồn vốn sẽ phù hợp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đẩy mạnh phân quyền, nguồn thu đáp ứng nhu cầu phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO