Không chỉ ảnh hưởng bởi COVID-19, xâm nhập mặn cũng làm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Sở Công Thương Bến Tre cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá nông sản tại Bến Tre không ổn định và có chiều hướng giảm mạnh. Các nông sản xuất sang Trung Quốc như: dừa khô, dừa uống nước, chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh...rớt giá so với các tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do phần lớn nông sản trong tỉnh xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc và phía Trung Quốc cũng kiểm soát rất khắt khe, nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh.
Đối với ngành dệt may, điện tử, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài thì khả năng doanh nghiệp phải nghỉ luân phiên, ngừng việc, đóng cửa sẽ rất cao do không có nguyên, phụ liệu sản xuất. Điều này sẽ khiến khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác hoặc hủy đơn hàng do giao hàng không đúng hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có lao động là người Trung Quốc thì có tâm lý e ngại, sợ tiếp xúc, lây lan dịch bệnh.
Hiện tại, các doanh nghiệp may hoạt động cầm chừng, cho công nhân nghỉ luân phiên hoặc tìm nguồn thay thế bằng nguyên liệu trong nước để duy trì sản xuất và hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Chẳng hạn như: Công ty Alliance One bị ảnh hưởng không nhiều do đã tìm được nguồn nguyên liệu mới; Công ty Unisoll Vina có kế hoạch cho công nhân luân phiên nghỉ hưởng lương xen kẽ giữa các xưởng vài ngày trong tuần để đảm bảo ổn định việc làm, mỗi lượt nghỉ từ 100-200 lao động…
Có thể bạn quan tâm
00:23, 02/03/2020
09:36, 21/02/2020
02:43, 20/02/2020
14:44, 04/02/2020
04:12, 15/01/2020
12:05, 12/03/2020
Không chỉ ảnh hưởng bởi COVID-19, xâm nhập mặn cũng làm cho các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng nước nhiễm mặn đã và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh trong ngành. Việc sử dụng nước nhiễm mặn trong quá trình chế biến thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, các sản phẩm sẽ không đạt chỉ tiêu về cảm quan cũng như chỉ tiêu chất lượng. Ngoài ra, việc sản xuất trong điều kiện nước mặn kéo dài sẽ khiến chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng cao do chi phí cấp nước, xử lý nước, giá nguyên liệu tăng và kéo theo nhiều chi phí phát sinh.
Đối với ngành chế biến dừa, tuy đã có sự chuẩn bị trữ nước nhưng tình trạng thiếu nước ngọt vẫn đang khá nghiêm trọng. Các vườn dừa ở những vùng nhiễm mặn không dự trữ đủ nước ngọt sẽ bị giảm năng suất trong thời gian tới và cần một thời gian dài để cây phục hồi và cho năng suất ổn định trở lại, dẫn đến việc thiếu hụt nguyên liệu trong ngành dừa.
Hiện tại, các cơ sở, công ty, doanh nghiệp phải trang bị hệ thống lọc mặn, khoan giếng lấy nước ngọt, hoặc đổi mua nước ngọt với số tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/m3 nước, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào. Ngoài ra, độ mặn tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành.
Ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) cho biết, từ tháng 12/2019 đến nay, doanh nghiệp không đủ nước ngọt để sử dụng, nước máy thường xuyên ghi nhận độ mặn cao, từ 3 - 4‰. Để có đủ nước cho sản xuất, giải pháp của Beinco là sử dụng hệ thống lọc nước RO. Việc đầu tư hệ thống lọc nước tốn nhiều chi phí. Mặt khác, hoạt động xử lý bằng hệ thống nước này cũng gây tốn kém. Chi phí lọc mặn 1m3 nước từ 40 ngàn đồng (nếu là nước máy thủy cục) đến hơn 60 ngàn đồng (nếu khai thác nước mặt). Cùng với việc giá dừa nguyên liệu tăng cao, việc xử lý nước mặn đã đẩy giá thành sản xuất 1 tấn cơm dừa nạo sấy lên trên 60 triệu đồng, trong khi giá thế giới chào bán ra thị trường hiện chỉ hơn 40 triệu đồng/tấn.
Đối với ngành thủy sản, tình hình xâm nhập mặn tại nhiều nơi đã làm cho môi trường nước không thể đảm bảo cho việc thả cá con cho vụ nuôi mới, nước mặn làm cá bị chết hoặc chậm lớn dẫn đến không hiệu quả. Nước mặn không chỉ làm khó cho người nuôi mà còn làm khó cho cả khâu chế biến, vì các nhà máy nước chỉ lọc được chất bẩn chứ không lọc được muối. Nước nhiễm mặn đưa vào nhà máy chế biến làm thay đổi cả quy trình chế biến...
Theo ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công thương Bến Tre, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan, nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, nắm bắt tình hình, ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trước tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như hạn mặn. Đồng thời, thu thập thông tin về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh để giới thiệu, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, nhà phân phối, siêu thị trong và ngoài nước.
Sở Công Thương Bến Tre cũng đã phối hợp với thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức Đoàn doanh nghiệp Singapore có nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản gặp gỡ, giao thương với các doanh nghiệp trong tỉnh.
Riêng đối với những khó khăn do hạn mặn gây ra, Sở Công Thương đã kịp thời cung cấp thông tin về tình hình xâm nhập mặn đến cộng đồng doanh nghiệp để các doanh nghiệp chủ động xây dựng kê hoạch sản xuất. Đồng thời, đã có các hướng dẫn đến các doanh nghiệp những giải pháp hiệu quả nhằm thích ứng với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra càng khốc liệt….
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường và mở rộng thị trường, Sở Công Thương Bến Tre kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện đàm phán vào thời điểm thích hợp để sớm đưa các mặt hàng: bưởi, sầu riêng, dừa...vào danh mục hàng hóa được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan hỗ trợ công tác thông tin dự báo thị trường, định hướng cho người dân và doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng sản xuất dư thừa, được mùa mất giá.
“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử…” – ông Bình nhấn mạnh.
Quý I/2020, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre ước đạt 7.400 tỷ đồng, tăng 10,45% so cùng kỳ và đạt 22,1% kế hoạch. So với cùng kỳ, hầu hết các sản phẩm chủ yếu tăng khá, có 04 sản phẩm sụt giảm là bia, cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, bộ dây điện xe ô tô.