Kiên Giang: Ở đâu doanh nghiệp khó - có chính quyền
Các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Kiền Giang luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và các thành viên Chính phủ.
“Thành công của nhà đầu là thành công của chính quyền địa phương. Do vậy, UBND tỉnh luôn cam kết ở đâu doanh nghiệp gặp khó khăn, ở đó có chính quyền địa phương cùng tháo gỡ”. Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phạm Vũ Hồng với DDDN.
Những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh và các yếu tố đặc trưng riêng vốn có, cùng với sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Kiên Giang đã có sự phát triển ấn tượng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến năm 2019, toàn tỉnh Kiên Giang thu hút 305 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn đăng ký 338.373 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 15.575 lao động; lượng khách đến Kiên Giang liên tục tăng với gần 8,78 triệu lượt du khách với tổng doanh thu từ du lịch đạt 21.947,9 tỷ đồng.
- Đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một phần quan trọng đóng góp từ việc tỉnh đã tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Xin ông chia sẻ những thành tựu nổi bật Kiên Giang đạt được?
Trong năm 2019, có 17/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều kết quả khá tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 tăng 7,3% so với năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người 2.338 USD, đạt 107,16% kế hoạch. Tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất hiện đại, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, gắn với thị trường tiêu thụ và vùng quy hoạch.
Giá trị sản xuất công nghiệp 47.662 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch và tăng 10,07% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 680 triệu USD, đạt 100% kế hoạch. Tổng lượt khách đến tham quan du lịch 8,78 triệu lượt khách, đạt 105,8% kế hoạch, tăng 13,8% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách năm 2019 ước đạt 11.018 tỷ đồng, đạt 105,54% so dự toán, tăng 8,02% so thực hiện năm 2018.
- Ông nhìn nhận thế nào về những mặt được và chưa được đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kiên Giang thời gian qua và những năm tới?
Chúng tôi luôn xác định PCI là công cụ làm thước đo thành công của các chương trình cải cách về điều hành kinh tế. Trong năm 2019, Kiên Giang đã 02 lần tổ chức Hội nghị phân tích chỉ số PCI có sự tham dự và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Năm 2019, qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh được duy trì, xếp trong nhóm địa phương điều hành khá. Kết quả điểm tổng hợp Chỉ số PCI năm 2019 đạt 64,99 điểm tăng 1,57 điểm so năm 2018 (63,42 điểm), đứng hạng 35/63 cả nước (giảm 4 hạng) và hạng 7 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, mặc dù điểm số tăng lên nhưng thứ hạng tiếp tục bị tụt giảm so với năm 2018. Điều đó chứng tỏ, chúng tôi cần tăng tốc độ cải thiện môi trường đầu tư.
Phân tích cụ thể hơn, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Kiên Giang có 06 chỉ số tăng điểm, tăng hạng; 01 chỉ số tăng điểm, nhưng giảm hạng; 03 chỉ số giảm điểm, giảm hạng. Tôi cho rằng, tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai được ổn định hơn, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp được nâng lên, doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận hay mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuận lợi trong thủ tục về đất đai…
Mặt khác, chúng tôi không để tình trạng doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, thời gian được rút ngắn. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm đã giảm xuống. Năm 2019, Chỉ số chi phí thời gian của Kiên Giang được nằm ở top 5 toàn quốc.
Các địa phương thường xuyên kiểm tra, tránh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất việc doanh nghiệp phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức… Chỉ số chi phí không chính thức đạt hạng 4/63. Đặc biệt về thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của Kiên Giang được xếp vào top 10. Điều này thể hiện chính quyền không bao che việc cán bộ vi phạm…
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm tiến bộ, chúng tôi còn những hạn chế nhất định, như chi phí gia nhập thị trường chưa có chuyển biến. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh cũng chưa được doanh nghiệp đánh giá cao. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng chưa được cải thiện.
- Để từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp an tâm hoạt động tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, trong thời gian tới Kiên Giang cần làm gì, thưa ông?
Chúng tôi xác định tập trung vào 04 nội dung cơ bản sau: Một là, người đứng đầu các Sở, ban ngành và địa phương phải thực hiện tốt vai trò của mình trong việc triển khai giải pháp, phân công, đôn đốc, kiểm tra và mạnh dạn xử lý tiêu cực.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu qua mạng, công khai thủ tục, quy hoạch, dự án…
Ba là, các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia phản biện, xây dựng các chính sách, phát huy được vai trò trong cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh.
Bốn là, có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý về hỗ trợ, bảo vệ quyền hợp pháp cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 07/07: Thủ tướng phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang
16:27, 07/07/2020
Đưa tàu cao tốc kết nối du lịch đường biển Cà Mau-Kiên Giang
12:31, 07/07/2020
Kiên Giang: Một doanh nghiệp muốn được “xử phạt” nhanh!
15:01, 01/06/2020
Kiên Giang: Ai dung túng cho doanh nghiệp xây chợ chui, né thuế?
11:01, 16/05/2020