OCOP- Nền tảng phát triển kinh tế nông thôn Tiền Giang
Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 – 2020 (OCOP) được xem là nền tảng vững chắc phát triển kinh tế nông thôn ở Tiền Giang.
Đây mục tiêu đến cuối năm 2020, mỗi địa phương phải đạt ít nhất 2 sản phẩm OCOP.
Ông Lê Ngọc Hóa, Bí thư Đảng ủy xã nông thôn mới xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) phấn khởi khi sản phẩm bưởi da xanh VietGAP Tân Mỹ Chánh được chọn đưa vào Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm dưới tên gọi "Bưởi da xanh Mỹ Tho". Ông cho rằng, bưởi da xanh địa phương được khuyến khích phát triển theo hướng chuẩn hóa sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa chất lượng đặc sản địa phương.
Phát huy nội lực
Hiện nay, xã Tân Mỹ Chánh đã thành lập được Tổ hợp tác Bưởi da xanh VietGAP và liên kết với Cơ sở Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre) hợp đồng tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho trái bưởi da xanh với sản lượng mỗi năm khoảng 250 tấn quả. Đây là yếu tố thuận lợi cho địa phương trong việc cụ thể hóa Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn trong thời gian tới.
Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, trong thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tích cực hướng dẫn các địa phương rà soát các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương và hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể sản xuất đăng ký hồ sơ tham gia chương trình.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Tiền Giang chọn một số sản phẩm chủ lực để tập trung chuẩn hóa và phát triển trong khuôn khổ Chương trình OCOP như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh Mỹ Tho, thanh long Chợ Gạo, lạp xưởng tươi Cai Lậy, mắm tôm chà Gò Công...
Trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngành có liên quan đã tổ chức đánh giá và công nhận 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cụ thể: Mắm tôm chua (đạt 3 sao), Mắm cá cơm (đạt 3 sao), Mắm ruốc (đạt 3 sao) của Cơ sở mắm Bà Hai Diễm; Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (đạt 4 sao), Đông trùng hạ thảo Thiên Ân - Yến HT (đạt 4 sao) của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân; Gạo đặc sản VD 20 Gò Công (đạt 3 sao) của Công ty TNHH Thương mại HK.
Như vậy, kể từ khi thực hiện Quyết định 490 ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP (trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao), bao gồm 6 sản phẩm vừa được trao giấy chứng nhận và 4 sản phẩm đã được công nhận OCOP trong năm 2019 là: Trà trái mãng cầu Xiêm Vĩnh Phát (Công ty TNHH Travipha, huyện Tân Phú Đông); thịt gà tươi Gà ta Gò Công (Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, TX. Gò Công); Mắm tôm chà Bà Hai Diễm (Cơ sở sản xuất Mắm Bà Hai Diễm, TX. Gò Công) và nước Đông trùng hạ thảo NICE (Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân, huyện Gò Công Tây).
Tăng cường kết nối
Các nhóm sản phẩm, dịch vụ OCOP tỉnhTiền Giang tập trung phát triển gồm 3 nhóm: thực phẩm; nhóm đồ uống; nhóm dịch vụdu lịchbán hàng,du lịchnông thôn như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng, lạp xưởng tươiCai Lậy, khóm tươi, bánh bún hủ tiếuMỹ Tho; rượu sơri, trà mãng cầu xiêm; làng cổ Đông Hòa Hiệp,du lịchThới Sơn… Đây đều là những sản phẩm có thế mạnh của địa phương
Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh chọn 14 sản phẩm nằm trong nhóm thực phẩm, 2 sản phẩm nằm trong nhóm đồ uống và 2 sản phẩm nằm trong nhóm dịch vụ bán hàng, du lịch nông thôn để tập trung chuẩn hóa và phát triển trong khuôn khổ Chương trình OCOP Tiền Giang.
Ngay trong năm 2019, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Quyết định số 490/QĐ-TTg. Qua đó, vừa thực hiện hiệu quả các tiêu chí thành phần thuộc nhóm "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vừa góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Trước mắt, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để xây dựng một số sản phẩm Tiền Giang có lợi thế, đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, có khả năng cạnh tranh đáp ứng ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, tỉnh khuyến khích tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch hiện có tham gia Chương trình OCOP Tiền Giang. Ngoài ra, quan tâm đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước thực hiện Chương trình OCOP Tiền Giang và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia về chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, các sản phẩm đạt OCOP trước mắt sẽ được hỗ trợ đào tạo, tập huấn xây dựng phương án, dự án sản xuất - kinh doanh, tem OCOP, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, các sản phẩm này được cung cấp thông tin về Văn phòng Điều phối Trung ương để xây dựng hệ thống dữ liệu các sản phẩm OCOP toàn quốc phục vụ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị quốc tế của Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang vào thị trường TP. Hồ Chí Minh và tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm OCOP và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới, với mục tiêu đến cuối năm 2020, mỗi địa phương phải đạt ít nhất 2 sản phẩm OCOP theo chỉ đạo của tỉnh, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là các chủ thể thực hiện cùng chung tay triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình. Các huyện, thị, thành nhất là địa phương chưa có sản phẩm OCOP cần tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND xã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng hồ sơ tham gia chương trình; tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, gửi hồ sơ sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để kiểm tra, trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các chủ thể sản xuất cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các nội dung nâng cấp sao sản phẩm. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể sản xuất cũng cần nghiên cứu tham gia liên kết trong sản xuất nhằm đưa sản phẩm phát triển bền vững, hiệu quả… Đây sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững.
Có thể bạn quan tâm