Bắc Giang: Doanh nghiệp chủ động “tự cứu mình”
Nhiều doanh nghiệp tại Bắc Giang cho rằng, giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp ngay lúc này là mình phải tự cứu mình trước.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. Tại Bắc Giang, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới mô hình, chiến lược kinh doanh, đa dạng nguồn vốn, sản phẩm, tăng cường kết nối để duy trì hoạt động sản xuất và mở rộng thị trường.
“Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, thị trường chính của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên Công ty không có thêm đơn đặt hàng mới từ phía đối tác. Nếu dịch không được kiểm soát thì doanh nghiệp sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất trong những tháng cuối năm bởi, thông thường khi đối tác đặt hàng thì họ sẽ cung cấp luôn cả nguyên liệu. Để khắc phục khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động công ty đã chủ động liên hệ với các đơn vị nhập khẩu quần áo ở Nhật Bản, Hàn Quốc… nắm bắt tình hình và ký thêm một số đơn hàng. Ngoài ra, chúng tôi có phương án may khẩu trang, quần áo y tế cho một số doanh nghiệp trong nước để duy trì việc làm cho người lao động”, ông Hoàng Văn Lược, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng Công ty May LGG chia sẻ.
Không chỉ có các doanh nghiệp ngành may mặc, điện tử, du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài mà tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải chủ động xoay chuyển để vượt qua đại dịch. Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng giờ làm linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch HĐQT/ Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco, “hằng năm doanh nghiệp đều liên kết với một số hợp tác xã ở trong và ngoài tỉnh cung cấp nguyên liệu. Đầu năm nay, do một số tỉnh có bệnh nhân COVID-19 nên có hợp tác xã không vận chuyển được nguyên liệu, dẫn đến công ty bị thiếu nguồn hàng theo đơn đã ký với đối tác. Để khắc phục tình trạng này chúng tôi đã mở rộng một số vùng sản xuất nông sản đầu vào ở nhiều địa bàn khác nhau nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hay bị lệ thuộc vào một thị trường”.
Cùng với đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tại các khu công nghiệp, cũng có những kế hoạch, phương án cụ thể để đảm bảo các đơn hàng đã kí được giao đúng tiến độ và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử như, nhập nhiều nguyên liệu dự trữ để sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, sản xuất thêm các sản phẩm mới…để duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Có thể bạn quan tâm