Khánh Hòa: Tăng cường kiểm tra nguồn gốc động vật hoang dã xuất bán từ các trại nuôi
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra nguồn gốc động vật hoang dã xuất bán từ các trại nuôi để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, triển khai các nội dung kiến nghị của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) về việc tăng cường kiểm tra nguồn gốc động vật hoang dã xuất bán từ các trại nuôi để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhận được công văn của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) về việc tăng cường kiểm tra nguồn gốc động vật hoang dã xuất bán từ các trại nuôi để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo ENV, đại dịch COVID-19 được phát hiện đầu tiên vào cuối năm 2019 tại một khu chợ buôn bán động vật hoang dã tại Vũ Hán (Trung Quốc). Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều khả năng COVID-19 có nguồn gốc từ dơi, lây truyền qua một vật chủ trung gian là động vật hoang dã (có thể là tê tê) để sang con người. Cũng theo các nhà khoa học, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người trong 30 năm qua như HIV/AIDS, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, SARS (2002-2003), MERS (2012), Ebola (2014) đều có nguồn gốc từ động vật.
Theo nghiên cứu của ENV, một trong những vấn đề lớn tại các cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam là tình trạng “nhập lậu” động vật hoang dã từ tự nhiên - có thể từ các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, sau đó “hợp pháp hóa” tại các cơ sở gây nuôi tại Việt Nam và đưa đi tiêu thụ.
Thời gian qua, ENV cũng ghi nhận hàng chục tấn động vật hoang dã được “gắn mác” hợp pháp để đưa đến các địa điểm gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nhiều khả năng nhằm vận chuyển trái phép sang Trung Quốc. Việc đưa “lậu” các loài động vật hoang dã từ tự nhiên chưa qua kiểm dịch, nhiều khả năng mang mầm bệnh vào các cơ sở nuôi động vật hoang dã sau đó vận chuyển động vật hoang dã đến các địa điểm khác nhau trên cả nước khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã tăng cao.
Vì vậy, ENV đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại trên địa bàn. Đặc biệt, trong quá trình cấp giấy phép vận chuyển động vật hoang dã cần đối chiếu số lượng động vật hoang dã thực tế tại cơ sở trước khi cấp phép, đảm bảo không cấp phép nếu cơ sở không có đủ giấy tờ, căn cứ chứng minh động vật hoang dã được sinh sản tại cơ sở.
Trường hợp cơ sở xuất bán động vật hoang dã số lượng lớn hoặc có nhiều dấu hiệu đáng ngờ, cơ quan chuyên trách cần phối hợp với các cơ quan khoa học để đánh giá mô hình cơ sở có thực sự đáp ứng được khả năng chăn nuôi xuất bán hay không nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu vi phạm. Công văn của ENV nêu rõ.
Có thể bạn quan tâm