Giao thông Điện Biên cần đi trước mở đường

KHẮC LÃNG 01/09/2020 15:22

Điện Biên nỗ lực tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông theo hình thức xã hội hóa...

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông theo hình thức xã hội hóa trong các lĩnh vực: vận tải, bến xe, cảng hàng không và đường bộ… sẽ “lát đường” cho kinh tế Điện Biên cất cánh.

xã hội hóa trong các lĩnh vực: vận tải, bến xe, cảng hàng không và đường bộ… sẽ “lát đường” cho kinh tế Điện Biên cất cánh.

   Công tác đảm bảo giao thông quốc lộ 12.

Đó là nhận định của ông Trần Thanh Kiên, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên khi chia sẻ về những nỗ lực trong xây dựng hạ tầng giao thông tạo đà cho nền kinh tế của tỉnh phát triển.

Nỗ lực trong khó khăn

Theo lãnh đạo Sở GTVT Điện Biên, trong những năm qua, quốc lộ kết nối nội vùng, liên vùng đã cơ bản được nâng cấp một bước, góp phần phát huy lợi thế vùng. Tuy nhiên, hệ thống đường bộ với 8.338 km đường giao thông các loại, trong đó gồm 6 quốc lộ với chiều dài 751 km chưa được đầu tư đồng bộ. Phần lớn đang là đường cấp IV, VI… chất lượng mặt đường chưa cao, chủ yếu là láng nhựa.

Nguyên nhân của những hạn chế trên theo lãnh đạo Sở GTVT Điện Biên là do quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ bé, lạc hậu. Hơn nữa, Điện Biên là một trong số các tỉnh nghèo nhất cả nước, sản xuất hàng hóa chậm phát triển nên huy động các nguồn vốn trong dân cư và các thành phần kinh tế còn khó khăn.

Trong khi nguồn lực phụ thuộc vào ngân sách TƯ, thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, cấp kỹ thuật còn thấp, việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới giao thông chưa thực hiện được.
Khó khăn căn bản nữa là kế hoạch vốn bố trí cho dự án đa phần bị chậm, không đủ theo tổng mức đầu tư của dự án, dẫn đến dự án bị dừng- giãn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Bởi vậy, các dự án giao thông trên tỉnh ít được các nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khi triển khai xây dựng các dự án giao thông cũng khiến các dự án khó hấp dẫn doanh nghiệp…

Đẩy mạnh nguồn vốn PPP

Hạ tầng giao thông được ví như “xương sống” cho phát triển nền kinh tế, chính vì vậy Điện Biên đã xác định phải bằng mọi giải pháp để khơi thông dòng chảy kinh tế của tỉnh. Đó là đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, bảo đảm tính kết nối của hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống quốc lộ huyết mạch như tuyến QL.12, QL.4H, QL6, QL.279…

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; Huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng các dự án đường giao thông, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình có tính quan trọng, cấp bách như tuyến QL.12, QL.279B, QL.4H, QL.6.

Ngoài ra, cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông. “Đột phá trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò quyết định, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong bối cảnh ngân sách khó khăn và nguồn lực từ ODA ngày càng hạn chế, đặc biệt là nguồn lực tư nhân”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Kiên cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn của TƯ, vốn ODA chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông đường không, thủy, bộ thì việc kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang là “phao cứu sinh” giúp phát triển hạ tầng giao thông các tỉnh thành, trong đó có Điện Biên.

Cần sớm mở rộng Cảng hàng không Điện Biên

Ông Trần Thanh Kiên, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên, cho rằng cần sớm đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên theo quy hoạch, nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải cho tỉnh và khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

“Việc đầu tư Cảng hàng không Điện Biên theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2501/QĐ-BGTVT ngày 28/8/2017 là hết sức cần thiết và không thể trì hoãn”, ông Kiên nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Điện Biên đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quan tâm sớm triển khai đầu tư cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên. Trong đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, cần ưu tiên theo hình thức giao ACV triển khai đầu tư.

UBND tỉnh Điện Biên sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban ngành tập trung tối đa để tổ chức thẩm định dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Tỉnh Điện Biên đã cam kết, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện công tác GPMB theo quy hoạch và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên trong thời gian sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Nỗ lực triển khai dự án mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên

    Nỗ lực triển khai dự án mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên

    11:10, 27/08/2020

  • Vì sao ACV giảm tới 3 lần mức đầu tư sân bay Điện Biên?

    Vì sao ACV giảm tới 3 lần mức đầu tư sân bay Điện Biên?

    11:14, 25/08/2020

  • Gỡ vướng cho doanh nghiệp Điện Biên

    Gỡ vướng cho doanh nghiệp Điện Biên

    06:36, 19/08/2020

KHẮC LÃNG