Chịu tác động từ dịch bệnh COVID -19, doanh nghiệp tỉnh Điện Biên gặp nhiều khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa.
Trước thực trạng này, ngành công thương Điện Biên đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Báo cáo của ngành công thương tỉnh Điện Biên cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.300 tỷ đồng, bằng 38,24%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự ước 5.817,24 tỷ đồng, đạt 39,84%; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ ước khoảng 35,4 triệu USD, tương đương 37,65% kế hoạch năm 2020.
Bên cạnh những kết quả trên, ông Vũ Hồng Sơn, Q.Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên chia sẻ, dịch bệnh COVID – 19 đang diễn biến vô cùng phức tạp khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu nhiều tổn thất. Ngành Công Thương chủ động bám sát và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, Ngành TƯ triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID -19 như: Chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong thời gian phòng chống dịch bệnh COVID -19...; tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật… ; Chủ động theo dõi nắm bắt tình hình cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trước tình hình dịch bệnh COVID -19…
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng chống bệnh dịch đã nẩy sinh nhiều vướng mắc, đặc biệt là nguồn nguyên liệu, nhân lực... phục vụ cho sản xuất còn nhiều hạn chế... Lượng hàng hoá do địa phương sản xuất và xuất khẩu chưa đa dạng, phong phú...
Đứng trước những thách thức này, ông Vũ Hồng Sơn cho biết, Sở nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị, đề xuất tỉnh những nội dung ngoài thẩm quyền như: hỗ trợ doanh nghiệp hưởng các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế...; đồng thời triển khai thực hiện các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại năm 2020 đã được phê duyệt. Trong đó có 3 đề án khuyến công địa phương, 02 đề án khuyến công quốc gia...
Cùng với đó, Sở đã gấp rút chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bám sát nhu cầu thị trường để vừa đảm bảo yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo yêu cầu an toàn trong chống dịch; Hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa...
Để vực dậy sản xuất trong tỉnh trong thời gian tới, ông Vũ Hồng Sơn cho hay, tỉnh sẽ tập trung, chủ động, tích cực và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID -19…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ khó khăn các dự án thủy điện đang triển khai trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tiến độ thực hiện; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, sản phẩm...
Mặt khác, Sở triển khai phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, tăng cường áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với các vùng sản xuất nông lâm nghiệp tập trung; Phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, khuyến khích đầu tư thực hiện đổi mới dây truyền và ứng dụng KHCN, kỹ thuật hiện đại vào trong sản xuất...; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về giải quyết các TTHC, GPMB nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
Ngoài ra, để tiếp tục đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành, ông Sơn cho hay, Sở đã rà soát trình UBND tỉnh ban hành chuẩn hóa bộ TTHC với tổng số 126 thủ tục cấp tỉnh, bao gồm 21 thủ tục thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, 5 thủ tục lĩnh vực cạnh tranh, 50 thủ tục lĩnh vực lưu thông hàng hóa…
“Song hành với nỗ lực của tỉnh Điện Biên, Chính phủ và các bộ ngành cần tăng cường hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho Điện Biên; Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cà phê, chè, gạo Điện Biên, cũng như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng nguồn kinh phí để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với các tỉnh biên giới” ông Sơn đề xuất.
Cũng theo ông Sơn, Sở sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường, giá cả, phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh; đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển thương mại đến vùng nông thôn và thương mại biên giới; tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm