Lai Châu: Tăng trưởng nông nghiệp từ phát triển hạ tầng thiết yếu

Lê Nam - Nguyễn Hà 16/09/2020 09:50

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã hình thành các vùng sản xuất lúa và chè tập trung, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 5-6%/năm.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác về tham quan nhà máy và vùng nguyên liệu của công ty CP Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường

Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác tham quan vùng nguyên liệu của công ty CP Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường (Lai Châu)

Trong những năm qua, thực hiện Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh ủy, tỉnh Lai Châu đã chú trọng trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn. Trong đó, tỉnh sử dụng nguồn vốn từ ngân sách và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật liệu để thực hiện có hiệu quả việc phát triển hạ tầng thiết yếu trong nông nghiệp.

Được biết, giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh đã huy động được trên 10 tỷ đồng từ việc tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn và vận động người dân hiến 163,3ha đất, hàng nghìn ngày công lao động cùng nhiều vật liệu tại chỗ để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu khu sản xuất hàng hoá tập trung. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất lúa, chè tập trung và tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 5-6%/năm.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, tác các vùng chè, tỉnh đã đầu tư mở mới và nâng cấp được 48 km theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B; nâng cấp và mở mới được 267,83 km đường nội đồng. Nhờ vậy, việc canh tác, vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu thụ thuận tiện hơn, giúp người dân giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức và tăng thu nhập. 

Đến nay, tổng diện tích vùng chè toàn tỉnh ước đạt 7.775 ha, tăng 4.275 ha so với năm 2015, tăng 1.775 ha so với mục tiêu Đề án; trong đó diện tích chè kinh doanh 4.705 ha, tăng 2.093 ha so với năm 2015, năng suất ước đạt 74,4 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 35.000 tấn. Trong đó, vùng chè sản xuất chủ yếu tập trung ở các huyện: Tân Uyên, Tam Đường, Than Uyên và huyện Sìn Hồ. Hiện, đã có 2 nhãn hiệu sản phẩm chè Tam Đường và chè Tân Uyên được cấp bằng bảo hộ.

Đối với vùng lúa tập trung, tỉnh Lai Châu đầu tư mở mới và nâng cấp được 4km đường trục chính hạ tầng theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B; đầu tư mở mới và nâng cấp được 32,81 km đường nội đồng và xây dựng mới 1 cầu cứng Mít Nọi - Pắc Ta dài 30m. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh cùng với các địa phương hỗ trợ người dân tổ chức thực hiện phục tráng chọn lọc sản xuất giống lúa Tẻ Dâu (đặc sản địa phương) và thực hiện dự án trồng thử nghiệm một số giống lúa chịu lạnh tại một số xã vùng cao huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ.

Nhờ đó, nhân dân đã tích cực đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng lúa hàng năm tăng bình quân 4.300 tấn. Hiện nay, vùng lúa có tổng diện tích ước đạt 29.625ha, trong đó vùng sản xuất lúa tập trung 2.565 ha tại 3 huyện: Than Uyên, Tân Uyên và Tam Đường. Ước tính đến hết năm 2020, sản lượng lúa đạt 12.719 tấn.

Theo lãnh đạo huyện Tân Uyên, toàn huyện có 2.099,5 ha chè và 690 ha diện tích sản xuất lúa tập trung. Hiện nay, trên địa bàn có 6 doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện liên kết với người dân trong việc sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm chè. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện cũng dành nguồn ngân sách địa phương cũng như vận động nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công, tiền và hiến đất đầu tư nâng cấp được 9,81 km đường nội đồng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, lưu thông hàng hóa, đưa cơ giới hóa, giống cây trồng mới vào sản xuất,... góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án của Tỉnh Ủy Lai Châu, cơ sở hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, giúp nhân dân mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào phát triển sản xuất; góp phần tăng năng suất, chất lượng, từng bước tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Lai Châu trên thị trường.

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc phát triển hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giúp thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá; hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hoá và có sự tham gia của các doanh nghiệp, Hợp tác xã từ khâu phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành du lịch Lai Châu tăng trưởng khá dù ảnh hưởng của đại dịch

    Ngành du lịch Lai Châu tăng trưởng khá dù ảnh hưởng của đại dịch

    06:29, 04/08/2020

  • Lai châu: Giải ngân vốn đầu tư công đứng thứ 10 cả nước

    Lai châu: Giải ngân vốn đầu tư công đứng thứ 10 cả nước

    17:10, 27/07/2020

  • Bộ Công Thương “xắn tay áo” cùng Lai Châu xác định thị trường tiềm năng

    Bộ Công Thương “xắn tay áo” cùng Lai Châu xác định thị trường tiềm năng

    10:26, 16/07/2020

  • Lai Châu: Các hội Doanh nghiệp tăng cường kết nối với chính quyền

    Lai Châu: Các hội Doanh nghiệp tăng cường kết nối với chính quyền

    03:20, 02/07/2020

Lê Nam - Nguyễn Hà