Hải Phòng: Hai nhà máy điện khí quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
Đó là Tổ hợp Nhà máy điện khí LNG tại huyện Cát Hải và huyện Tiên Lãng vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ban Thường vụ Thành ủy vừa đồng ý chủ trương đưa dự án Tổ hợp Nhà máy điện khí LNG do Tập đoàn Exxon Mobil đề xuất đầu tư tại KCN Tiên Lãng 1, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng với công suất 4.500 MW và Nhà máy điện khí LNG do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP đề xuất đầu tư tại đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải với công suất 1.600 MW vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án Tổ hợp Nhà máy điện khí LNG của Tập đoàn Exxon Mobil có tổng mức đầu tư khoảng 5,09 tỷ USD. Dự án sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1: 3x750MW đưa vào vận hành giai đoạn 2026 - 2027; giai đoạn II: 3x750MW đưa vào vận hành giai đoạn 2029 - 2030.
Dự án mà Tập đoàn này dự định đầu tư là chuỗi cảng, kho khí LNG và các nhà máy lọc hoá dầu và điện khí tại Hải Phòng. Với quy mô sản xuất điện từ LNG lên đến hơn 4.000 MW, dự án này dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2030. Sau khi hoạt động khu tổ hợp Hải Phòng có thể đáp ứng 22% nhu cầu khí Việt Nam. Thông tin này được đưa ra trong cuộc gặp và làm việc của ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink vừa qua.
Được biết, kho cảng LNG của Tổ hợp bao gồm kho cảng nổi, tồn trữ và tái hóa khí (FSRU) và đường ống dẫn khí trong giai đoạn I, bổ sung thêm tàu FSU trong giai đoạn 2. Công suất cảng nhập là 6 triệu tấn/năm. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/6, ông Irtiza Sayyed - Chủ tịch toàn cầu Exxon Mobil cho biết, Tập đoàn này muốn tranh thủ thời cơ, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Dự án Nhà máy điện khí LNG của Tập đoàn Vingroup - Công ty CPcó tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,9 tỷ USD. Dự án sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1: 800MV đưa vào vận hành năm 2025; giai đoạn II: 800MV đưa vào vận hành năm 2028.
Kho cảng LNG của Nhà máy bố trí ở phía Đông của đảo Cái Tráp với bồn chứa dung tích khoảng 200.000m3 cùng các hệ thống tái hóa khí (FSRU) đảm bảo khoảng cách quy định an toàn phòng chống cháy nổ. Khu vực cảng hàng lỏng tại đảo Cái Tráp có ưu điểm nằm tách biệt với khu bến hàng hóa, an toàn về phòng chống cháy nổ; điều kiện luồng và năng lực tiếp nhận cao, phù hợp với cỡ tàu từ 40.000-90.000DWT vận chuyển khí LNG cho Nhà máy điện khí LNG.
Việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí LNG tại Hải Phòng sẽ góp phần đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng cho thành phố cũng như khu vực miền Bắc, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đột phá của thành phố trong giai đoạn tới theo đúng tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là giảm phát thải nhà kính, hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp lên hệ thống điện Quốc gia khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch có xu hướng giảm dần.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4274/QĐ-BCT ngày 14/11/2018, công suất cực đại của thành phố Hải Phòng năm 2020 là 1.348MW; năm 2025 là 2.112MW; năm 2030 là 2.986MW và đến năm 2035 là 3.989MW. Như vậy, so với năm 2020, nhu cầu công suất cực đại của thành phố đến năm 2025 cần thêm 764MW; năm 2030 cần thêm 1.638MW và năm 2035 cần thêm 2.641MW.
Có thể bạn quan tâm
8/12 KCN hoạt động không phép (Hải Phòng): Không ảnh hưởng tới ưu đãi cho nhà đầu tư?
05:06, 29/09/2020
8/12 khu công nghiệp hoạt động không phép (Hải Phòng): Trách nhiệm thuộc về ai?
04:50, 30/09/2020
Hải Phòng: Cải tạo sân vận động Máy Tơ thành công viên cây xanh
07:26, 30/09/2020
Hải Phòng: Xây dựng trở thành thành phố phát triển hàng đầu châu Á
00:58, 29/09/2020
Hải Phòng: Đề xuất mở rộng cảng Lạch huyện mang tầm cỡ Quốc tế
01:15, 28/09/2020