Nghệ An phấn đấu sớm trở thành trung tâm kết nối vùng Bắc Trung Bộ
“Đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực”…
Đây là một trong những giải pháp phát triển của tỉnh Nghệ An trong các năm tiếp theo được nêu trong bản báo cáo tóm tắt trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa khai mạc sáng 17/10.
Phấn đấu sớm trở thành tỉnh khá khu vực phía Bắc
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị trình Đại hội khóa XIX.
Theo đó, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao, bình quân đạt 7,20%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,01 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn Nghệ An ước đạt hơn 314.000 tỷ đồng, tăng hơn 1,7 lần so với nhiệm kỳ trước.
Sáng 17/10, tại Tp Vinh, tỉnh Nghệ An đã chính thức khai mạc Đại đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và trực tiếp chỉ đạo Đại hội. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, các ban, bộ, ngành và tỉnh qua các thời kỳ.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX gồm có 448 đại biểu ưu tú, đại diện cho trên 193.000 đảng viên, tiêu biểu cho trí tuệ; tinh thần đoàn kết; sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, quân và dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 265 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,48% (sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 245/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 59,61%); ước thực hiện đến hết năm 2020 đạt 68,37% số xã (bình quân cả nước 54%).
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An đặt mục tiêu phát triển toàn diện và phấn đấu sớm trở thành trung tâm kết nối của khu vực Bắc Trung Bộ.
Đến nay, Nghệ An cũng có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 674 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX cũng đặt ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 trình Đại hội là: Phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Để làm được điều đó, Nghệ An đặt ra mục tiêu cụ thể như sau: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,5 - 10,5%; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 83 triệu đồng (tương đương khoảng 3.500 USD); Cơ cấu GRDP: Nông, lâm, ngư nghiệp 17% - 18%; công nghiệp và xây dựng 39% - 40%; dịch vụ 43% - 44%.
Đặc biệt, về lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ.
Tập trung phát triển kinh tế biển
Mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An đặt ra trong giai đoạn tiếp theo phải tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch không gian biển quốc gia. Chú trọng kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Các giải pháp cũng được đưa ra như thực hiện cơ cấu lại ngành kinh tế biển trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải (dịch vụ vận tải biển, cảng, kho bãi,...), nuôi trồng, khai thác hải sản (bao gồm phát triển hạ tầng kỹ thuật, hậu cần nghề cá), công nghiệp ven biển (công nghiệp cơ khí đóng mới, sữa chữa tàu biển; công nghiệp chế tạo; bảo quản, chế biến thủy, hải sản,...).
Đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trong các nhóm giải pháp nêu trên, Nghệ An cũng ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải, logistic theo hướng đa dạng hóa, khai thác có hiệu quả các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không, từng bước nâng cao trình độ công nghệ, chất lượng dịch vụ vận tải. Tiếp tục nâng cấp hệ thống kho bãi, bảo quản hàng hóa, dịch vụ hậu cần, nhất là các bến cảng. Phấn đấu xây dựng 01 trung tâm logistic hạng II có quy mô khoảng 30 ha. Ưu tiên phát triển hệ thống kho bãi xung quanh các vùng đô thị Vinh, Cửa Lò, các khu công nghiệp.
Để làm được điều đó, thời gian tới, Nghệ An cũng quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).
Mặt khác, công tác đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được đốc thúc thực hiện.
Thời gian tới, Nghệ An cũng đặc biệt quan tâm thực hiện tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Tân Á Đại Thành khởi công dự án nghỉ dưỡng 2.500 tỷ tại Nghệ An
15:29, 16/10/2020
Nghệ An: Bất thường khi doanh nghiệp “quen” liên tiếp trúng thầu sát giá?
04:10, 15/10/2020
Hàng loạt “siêu dự án” nghìn tỷ “đổ bộ” vào Nghệ An
02:08, 15/10/2020
Eximbank trao tặng nhà tình nghĩa tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
13:23, 14/10/2020