Hải Phòng: Phí hạ tầng cảng biển làm thay đổi diện mạo đô thị
Nhờ triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, mỗi năm Hải Phòng có thêm nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cấp, cải tạo, xây mới.
Ngày 13/12/2016, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 148 về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cảng biển ở Hải Phòng. Những ngày đầu triển khai công tác thu phí này UBND TP Hải Phòng gặp phải rất nhiều phản ứng.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển . Hải Phòng đã tham khảo mức thu phí tại các địa phương có cửa khẩu đất liền như: Quảng Trị, Tây Ninh, Lào Cai, và gần nhất Hải Phòng là Quảng Ninh . Và căn cứ vào tình hình thực tế của các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này trên địa bàn để xây dựng mức phí.
Người đứng đầu UBND TP Hải Phòng cũng khẳng định: “Toàn bộ nguồn kinh phí thu được từ thu phí hạ tầng cảng biển sẽ được đầu tư vào việc duy tu, bảo dưỡng và xây mới các công trình giao thông”.
Trước đây tại các tuyến đường trục chính như: Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh, đường 356, Nút giao thông ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Thánh Tông vào những giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, có thời điểm ùn tắc từ 6 - 10 tiếng, xe ra, vào cảng xếp hàng kéo dài hàng chục km. Bên cạnh đó, có tới 80% các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường này.
Sau đó, nhờ có thu phí hạ tầng cảng biển mà UBND TP Hải Phòng đã mạnh dạn đầu tư một số công trình phục vụ giao thông sau cảng như nâng cấp đường 356 từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ - tuyến đường huyết mạch thường xuyên xảy ra tắc nghẽn (Cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Hồng Phong).
Hải Phòng là đấu mối giao thông quan trọng, có cảng biển lớn thứ 2 ở Việt Nam sau cảng Sài Gòn và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam. Hàng năm do sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng tăng nhanh. Trong khi đó giao thông đường bộ phát triển chậm không theo kịp đà phát triển của cảng biển dẫn đến ùn tắc. Từ khi thực hiện NQ 148 của Thành ủy về thu phí hạ tầng cảng biển, nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cấp, cải tạo, xây mới. Vừa qua hạ tầng kết nối 47 bến cảng đã được đầu tư và tiếp tục đầu tư kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cát Hải.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông Hải Phòng cho biết: Thời gian qua, với việc thu phí hạ tầng cảng biển để tái đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông của Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, giảm thiểu tối đa việc ách tắc đường. Chỉ riêng từ tháng 1/2018 đến nay các dự án cầu do BQL làm chủ đầu tư cũng có đến 10 công trình trị giá khoảng 5.514 tỷ đồng.
Điển hình là Dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2. Điểm nhấn là cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh được xây dựng theo phương án cầu vượt trực thông trên đường Nguyễn Văn Linh, kiến trúc cầu vòm, chiều dài cầu 288,2m, nhịp chính dài 100m, mặt cầu rộng 19m; đoạn tường chắn hai đầu cầu rộng từ 16,5m đến 19m. Xây dựng đường hai nhánh hai bên cầu, nền đường rộng 10,5m, mặt đường rộng 7,5m, hè đường rộng 3,0m. Quy hoạch Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2. Tổng mức đầu tư của dự án, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con là 1.405 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng công trình cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh và đoạn tuyến kết nối với đường chợ Hàng cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh khoảng 360 tỷ đồng.
Trục giao thông này góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Cầu Đất - Lạch Tray - Cầu Rào, phát huy hiệu quả khai thác cầu Rào 2. Đồng thời, từng bước giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông đô thị cho người dân và phương tiện lưu thông qua nút giao Nguyễn Văn Linh – Cầu Rào 2, tăng năng lực vận tải cho hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Tiếp theo là các dự án xây dựng cầu Hàn và cầu Đăng (huyện Vĩnh Bảo) 342 tỷ đồng; cầu Bùi Viện ( cầu Niệm 2) – 733 tỷ đồng; cầu phao song Hóa 186 tỷ đồng…tất cả đều được bố trí từ ngân sách thành phố và trong đó có phần thu từ phí hạ tầng cảng biển.
Được biết một số dự án đã làm thay đổi bộ mặt thành phố Hải Phòng điển hình như: dự án đầu tư xây dựng cầu vượt Big C với số tiền trên 300 tỷ đồng; dự án trải Asphalt mặt đường các tuyến phố Hải Phòng tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng; Nút giao thông Nam Cầu Bình 1.411 tỷ đồng…
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng sắp xây dựng khu nhà ở xã hội cao 19 tầng
20:40, 23/11/2020
Hải Phòng: Nguy hiểm rình rập trong những khu nhà đã xuống cấp trầm trọng
05:00, 23/11/2020
Hải Phòng: Được bật “đèn xanh” dự án Cát Bà Amatina 1 tỷ đô đã khởi động
21:11, 21/11/2020
Hải Phòng đề xuất có "cơ chế đặc thù"
16:54, 21/11/2020