Giao thông sẽ tạo đòn bẩy để Lạng Sơn bứt phá
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Nhiều kết quả quan trọng
Đối với hệ thống đường tỉnh, được cân đối bố trí vốn hợp lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu để mở rộng cấp đường, đầu tư nâng cấp mặt đường đối với các tuyến trọng điểm, các tuyến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ cũng được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Tổng cục Đường bộ bố trí kinh phí để đầu tư cải tạo nâng cấp, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Trong năm 2020, Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn thực hiện 27 công trình sửa chữa định kỳ, đã thi công xong và nghiệm thu đưa vào sử dụng 08 vị trí điểm đen trên QL.1B, QL.4A; Đang triển khai thực hiện 03 công trình để cải tạo 04 vị trí điểm đen trên các Quốc lộ 3B, 4A.
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, bên cạnh công tác quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT thì về kết cấu hạ tầng giao thông luôn được chú trọng đầu tư để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình như: công trình Đoạn Lũng Vài - Bản Pẻn, ĐT.229 (Lũng Vài - Bình Độ - Tân Minh); Đường Dự án đường du lịch Hải Yến - Công Sơn - Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn (đoạn Km14+132,85m - Km17+166,91m); đang thi công hoàn thành đang triển khai thi công hạng mục nền đường, công trình thoát nước, mặt đường nhánh rẽ thuộc dự án Dự án cải tạo, nâng cấp đường lên khu du lịch Mẫu Sơn (đoạn Km6-Km12), giai đoạn 2, huyện Lộc Bình.
Đối với Dự án LRAMP, tỉnh đã thi công hoàn thành với 33,88 km đường thuộc kế hoạch năm thứ nhất, đã cơ bản thi công hoàn thành 36,0Km/03 tuyến đường khôi phục cải tạo thuộc kế hoạch năm thứ hai; đã chỉ đạo thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng 22/63 cầu thuộc dự án LRAMP, các cầu còn lại dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2020 - 2021.
Theo ông Dương Công Vĩ, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; đường phục vụ xuất nhập khẩu đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc), đường đến trung tâm các xã; Đường Bản Nằm - Bình Độ Đào Viên; đường Hữu Nghị - Bảo Lâm, Đường giao thông Khu phi thuế quan (giai đoạn I)... Các dự án hoàn thành đã góp phần cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, tạo đà thúc đẩy cho phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương.
Đáng chú ý, thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt mục tiêu đề án đã đề ra.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh thực hiện mở mới đường giao thông nông thôn được 35,2Km; sửa chữa mặt đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm đạt 4.120 km; phát quang tầm nhìn được 2.950.000 m2, xây dựng mới mặt đường bê tông 352 km. Hết năm 2020 đã hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra xây dựng 1.600Km (làm được 2.021Km) đường giao thông nông thôn của Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 90,2%.
Không ngừng hoàn thiện
Theo Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn, thực tế, cơ sở hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa được phát triển đồng bộ; quy mô, tiêu chuẩn còn ở mức thấp. Việc cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, xây dựng các cầu vượt sông lớn tại một số vị trí trọng yếu chưa được đầu tư do thiếu kinh phí để thực hiện.
Bên cạnh đó, điều kiện giao thông ở vùng sâu, vùng cao, biên giới còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong đó, tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chưa được đồng bộ toàn tuyến.
Tuy nhiên, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn sẽ không ngừng hoàn thiện và phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh. Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện sửa chữa thường xuyên 459,2Km đường quốc lộ bao gồm 06 tuyến qua địa bàn, 725,3Km đường tỉnh và 112,5Km đường tuần tra biên giới, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; phối hợp với các chủ đầu tư, các cơ quan có liên quan thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh như: dự án Đường cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang (đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị); Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Km3+700-Km18 Quốc lộ 4B; Dự án đường tuần tra biên giới giai đoạn 2.
Mặt khác, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 được HĐND tỉnh phê chuẩn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện đẩy nhanh tiến độ các dự án, tăng cường công tác quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông cũng như thực hiện tốt phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ năm 2021, đảm bảo duy trì, khai thác các tuyến đường bộ luôn thông suốt, an toàn.
Được biết, để tạo sự bứt phá trong giai đoạn tới, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư vào các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng; Cảng cạn (ICD) Lạng Sơn, đường Yên Trạch - Quảng Lạc, cầu Thác Trà và đường trục phía Tây TP Lạng Sơn, trục nối đường Hùng Vương với đường cao tốc…
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả: 64 km dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã được thông xe là kết quả của sự phối hợp tốt giữa nhà nước, địa phương và chủ đầu tư, tạo nên kỳ tích trong ngành giao thông Việt Nam. Với cung đường cao tốc từ thủ đô Hà Nội đi Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng là tiền đề mở rộng cánh cửa giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN, tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác an ninh, quốc phòng.
Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công ty Công ty TNHH Xuân Cương: Tỉnh Lạng Sơn có lợi thế đặc biệt trong phát triển kinh tế cửa khẩu, hơn nữa hệ thống giao thông của tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư để đáp ứng hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Trong thời gian tới, nếu tỉnh Lạng Sơn được Chính Phủ, các Bộ ngành cũng như các nhà đầu tư quan tâm đầu tư để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông thì chắc chắc Lạng Sơn sẽ có sự bứt phá, tạo động lực để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu thực sự trở thành “cầu nối” trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn của cả nước và khu vực.
Có thể bạn quan tâm