Hoà Bình đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh
Tỉnh Hoà Bình Xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là yêu cầu tiên quyết để thu hút đầu tư.
Xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là yêu cầu tiên quyết để thu hút đầu tư, tỉnh Hoà Bình đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để cải thiện chỉ số PCI.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa các chính sách, pháp luật phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi.
Những kết quả khả quan
Ngay từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 97/QĐ-UBND, ngày 16/1/2020 ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2020, định hướng đến năm 2021, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI theo lĩnh vực do ngành mình quản lý.
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các ngành và chính quyền địa phương đã thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh bãi bỏ, không cơ quan nào tự ý đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Đơn cử, UBND thành phố Hòa Bình đã giới thiệu địa điểm cho Công ty bất động sản Việt Nhật- Tập đoàn Central Group Việt Nam xây dựng Siêu thị Big C; UBND huyện Kim Bôi giới thiệu địa điểm cho Tập đoàn Vingroup để xây dựng khu nghỉ dưỡng; Sở Xây dựng giới thiệu địa điểm cho Cty Cổ phần Tập đoàn đầu tư MCC để đầu tư dự án nhà ở…
Tỉnh sẽ hoàn thành, công khai Quy hoạch tỉnh Hoà Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất...xác định rõ các vị trí lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng định kỳ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã nhân dịp đầu năm, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, làm việc với nhà đầu tư thực hiện các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của tổ chức, cá nhân đã thực hiện thủ tục hành chính trong năm 2020, có 93,1% đánh giá thời gian giải quyết thủ tục hành chính sớm hơn thời gian so với quy định của pháp luật. Tất cả các thủ tục hành chính thực hiện tại Bộ phận Một của được công khai chính xác, đầy đủ, kịp thời bằng cả hình thức niêm yết cà điện tử theo đúng quy định pháp luật về công khai thủ tục hành chính.
Năm 2020 vừa qua, toàn tỉnh đã cấp 290 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó trên 50% được thực hiện qua mạng. 45 dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, trong đó 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 triệu USD và 43 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 16.972 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư của tỉnh vẫn chủ yếu tập trung ở các dự án đầu tư FDI, lũy kế đến hết năm 2020 có 594 dự án đầu tư trong nước đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 87.217 tỷ đồng. Có 41 dự án FDI đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 587.586 triệu USD.
Đột phá chiến lược cải thiện PCI
Tuy nhiên, đóng góp ý kiến để cải thiện chỉ số PCI, ý kiến của một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường tính công khai, minh bạch nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bền vững, hiệu quả cao. Thủ tục đất đai cần nhanh chóng, thuận lợi để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Cần có tổ hợp tín dụng của các ngân hàng giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay...
Tiếp thu những đề xuất này của doanh nghiệp, kế hoạch của tỉnh Hoà Bình năm 2021 đã xác định rõ mục tiêu cải thiện, tăng chỉ số xếp hạng tối thiểu 3 bậc so với năm 2020, các chỉ số thành phần được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, trong đó thứ hạng của các chỉ số thành phần phấn đấu tăng tối thiểu 3 bậc so với năm 2020.
Để hiện thực mục tiêu này, tỉnh Hoà Bình cũng đã đề ra một loạt các giải pháp, như: Khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động của các cơ quan để cải thiện các chỉ số có thứ hạng chưa cao như gia nhập thị trường, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý...
Cùng với việc thực hiện cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tỉnh sẽ áp dụng thử nghiệm Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh các huyện, thành phố và các sở, ngành (DDCI) trong năm 2021. Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh là cầu nối đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết thị trường xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch…
Theo ông Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình, trong thời gian tới, tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan đơn giản thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các sở, ngành, rà soát, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, chuyên viên, tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp cần đề cao vai trò, trách nhiệm theo dõi và phản ánh vướng mắc đến lãnh đạo tỉnh để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm