Kiên Giang điểm sáng thu hút đầu tư
Kiên Giang là tâm điểm thu hút đầu tư và đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL về thu ngân sách với gần 12 ngàn tỷ đồng/năm.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang, bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết cụ thể qua cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp:
- Tăng trưởng kinh tế Kiên Giang những năm qua khá ấn tượng, đâu là những kết quả mà các nhà đầu tư quan tâm, thưa bà?
Tăng trưởng toàn diện và không ngừng. Đó là một trong những cảm nhận rất rõ nét về Kiên Giang trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2020. Với tư duy và tầm nhìn đổi mới, dám nghĩ dám làm, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kiên Giang đã đưa vùng đất được ví như một Việt Nam thu nhỏ vươn lên mạnh mẽ, trở thành “điểm sáng” trong 4 tỉnh kinh tế trọng điểm của khu vực ĐBSCL. Với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, khai thác tốt hơn các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, thu hút nhiều nhà đầu tư và huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Với trục tư duy xuyên suốt là phát triển bền vững, Kiên Giang đã thực hiện cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản từ 40,39% xuống còn 31,54%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ 18,11% tăng lên 20,06%; dịch vụ từ 41,5% tăng lên 48,4%. Đến nay Kiên Giang đã trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, du lịch, công nghiệp xây dựng và nông nghiệp chất lượng cao; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực và quốc tế, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững... đã cơ bản hoàn thành.
Các thành phần kinh tế tiếp tục được tạo điều kiện phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện tích cực. Phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khá sôi động. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá cao và đến nay có gần 11.000 doanh nghiệp tư nhân, là động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển khá và đa dạng các hình thức liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ (toàn tỉnh hiện có 475 hợp tác xã, tăng 6,3% hợp tác xã so với năm 2019).
Phát triển hệ thống thương mại, đa dạng các ngành dịch vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, nhất là dịch vụ du lịch. Mặc dù dịch Covid-19 trong năm 2020, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 82.705 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu có bước chuyển biến tích cực hàng năm đạt trên 700 triệu USD; thị trường tiêu thụ hàng hóa nông - thủy sản xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng bình quân 2,5%/năm. Sản lượng lương thực năm 2020 đạt 4,3 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm 72%.
- Kiên Giang đang thực hiện các khâu đột phá chiến lược như thế nào ?
Thực hiện một trong các nhiệm vụ chiến lược mang tính đột phá ở Kiên Giang là đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, giảm đầu tư dàn trải, tập trung cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 225.681 tỷ đồng, chiếm 76,3% GRDP toàn tỉnh và tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 6,19%. Theo đó quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, nâng lên 2.458 USD vào năm 2020, gấp 1,66 lần so với năm 2015.
Thực hiện 3 khâu đột phá, Kiên Giang ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông có tính đột phá như: tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường ven biển Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Lương và Rạch Giá - Châu Thành, Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu, đường trục Nam - Bắc đảo Phú Quốc, đường tỉnh 963B (Bến Nhứt - Giồng Riềng), cảng hành khách Rạch Giá, cảng Bãi Vòng, cảng biển hành khách quốc tế Phú Quốc, nâng cấp cảng cá An Thới; mở rộng nhà ga Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành cơ bản hệ thống thủy lợi, cống, đập, đê sông, đê biển, điện phục vụ sản xuất, nhất là ở những vùng chuyên canh lúa và nuôi trồng thủy sản tập trung.
Đáng kể nhất là về hoạt động du lịch thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. dịch Covid. Cụ thể, năm 2016 đạt 5,41 triệu lượt khách; năm 2017 là 6,07 triệu lượt; năm 2018 là 7,62 triệu lượt và năm 2019 là 8,78 triệu lược khách, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Doanh thu du lịch hàng năm đạt hơn 22.918 tỷ đồng. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tiếp tục được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực phục vụ du lịch cơ bản đáp ứng yêu cầu; liên kết du lịch với các địa phương khác trong nước và quốc tế được mở rộng. Hiện nay, Sân bay Quốc tế Phú Quốc có kết nối đường bay với 13 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
- Để duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn, Kiên Giang đã và đang chuẩn bị gì ?
Thời gian qua lãnh đạo tỉnh Kiên Giang rất quyết liệt trong việc chỉ đạo rà soát, tái cấu trúc đơn vị hành chánh, cắt giảm các khâu trung gian, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã đi vào hoạt động, tiếp tục xây dựng trung tâm hành chính công cấp huyện hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ: “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả”...nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh và công bằng.
Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/8/2020 của Kiên Giang là 61 dự án. Theo đó với tổng vốn đăng ký trên 4,8 tỷ USD đứng thứ 20 cả nước và thứ 2 khu vực ĐBSCL về vốn đầu tư FDI. Về đối tác đầu tư có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt tại Kiên Giang. Đầu tư vào các lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại dịch vụ.... Kiên Giang hiện đang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như: du lịch, thương mại, môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông thủy sản; năng lượng tái tạo; cấp nước đô thị và nông thôn; nhà ở và phát triển đô thị; bến cảng, bến tàu; giáo dục và đào tạo; văn hóa và thể thao.
Để thu hút đầu tư chất lượng cao, quan trọng nhất địa phương xác định được mình muốn gì để đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp cho nhà đầu tư. Theo Luật Đầu tư 2020, địa phương sẽ nghiên cứu việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện các dự án đầu tư có tác động đến kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết 50-NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó có xem xét tiêu chí công nghệ, môi trường nhằm đưa doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEF).
Đặc biệt để đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển từ các nước Thái lan, Indonesia, Ấn độ, Trung Quốc... các cơ quan chức năng cần tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp cho từng đối tượng nhà đầu tư; Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của các tập đoàn lớn vào địa phương.
Với các giải pháp đột phá trên, kỳ vọng dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước sẽ làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Có thể bạn quan tâm