Tăng trưởng toàn diện và không ngừng. Đó là một trong những cảm nhận rất rõ nét về Kiên Giang trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2020.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang, bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết, trong những năm qua, Kiên Giang luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định với quy mô kinh tế ở mức khá của cả nước.
- Tăng trưởng kinh tế Kiên Giang những năm qua khá ấn tượng, đâu là những kết quả mà các nhà đầu tư quan tâm, thưa bà?
Tăng trưởng toàn diện và không ngừng. Đó là một trong những cảm nhận rất rõ nét về Kiên Giang trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2020. Với tư duy và tầm nhìn đổi mới, dám nghĩ dám làm, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kiên Giang đã đưa vùng đất được ví như một Việt Nam thu nhỏ vươn lên mạnh mẽ, trở thành “điểm sáng” trong 4 tỉnh kinh tế trọng điểm của khu vực ĐBSCL.
Với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, khai thác tốt hơn các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, thu hút nhiều nhà đầu tư và huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Mặc dù dịch COVID-19 trong năm 2020, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 82.705 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu có bước chuyển biến tích cực hàng năm đạt trên 700 triệu USD; thị trường tiêu thụ hàng hóa nông - thủy sản xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng bình quân 2,5%/năm. Sản lượng lương thực năm 2020 đạt 4,3 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm 72%.
- Theo bà, Kiên Giang đang thực hiện các khâu đột phá chiến lược như thế nào?
Thực hiện một trong các nhiệm vụ chiến lược mang tính đột phá ở Kiên Giang là đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, giảm đầu tư dàn trải, tập trung cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm...
Đáng kể nhất là về hoạt động du lịch thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trừ năm 2020 bị dịch COVID-19 lượng du khách giảm khoảng 40%.
Cụ thể, năm 2016 đạt 5,41 triệu lượt khách; năm 2017 là 6,07 triệu lượt; năm 2018 là 7,62 triệu lượt và năm 2019 là 8,78 triệu lược khách, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Doanh thu du lịch hàng năm đạt hơn 22.918 tỷ đồng.
- Để thu hút đầu tư, Kiên Giang tạo môi trường đầu tư như thế nào, thưa bà?
Thời gian qua lãnh đạo tỉnh Kiên Giang rất quyết liệt trong việc chỉ đạo rà soát, tái cấu trúc đơn vị hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Cùng với đó, hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã đi vào hoạt động, tiếp tục xây dựng trung tâm hành chính công cấp huyện hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ: “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả”... nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh và công bằng.
Để đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển từ nước ngoài, đặc biệt từ các nước Thái lan, Indonesia, Ấn độ, Trung Quốc... các cơ quan chức năng tại địa phương đang tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp cho từng đối tượng nhà đầu tư; Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của các tập đoàn lớn vào địa phương.
Với các giải pháp đột phá trên, kỳ vọng dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước sẽ làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế cho Kiên Giang.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm