Đó là chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tại buổi lễ khánh thành tuyến giao thông Lộ Tẻ-Rạch Sỏi do Bộ GTVT tổ chức vào chiều ngày 12/1.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò, ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững của cộng đồng dân cư trong khu vực.
Trong những năm vừa qua bằng nguồn vay ODA và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, hàng loạt các dự án xây dựng công trình giao thông trong khu vực đồng bằng Mê Kông đã được hoàn thành như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam, Tuyến N2 … đã hình thành nên một trục dọc thứ hai bên cạnh Quốc lộ 1 từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nam Bộ, từng bước hình thành tuyến cao tốc phía Tây theo quy hoạch mạng cao tốc quốc gia, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của khu vực ĐBSCL.
“Và hôm nay, bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã hoàn thành và đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng. Việc đưa dự án vào khai thác vào thời điểm hiện nay sẽ góp phần quan trọng giải quyết được “mục tiêu kép” của Chính phủ về đầy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành - lĩnh vực - địa phương - vùng kinh tế trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19’’, Bộ trưởng Thể nói .
Dự án này do Bộ GTVT là chủ đầu tư, Tổng công ty Cửu Long là đơn vị đại diện chủ đầu tư. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) với tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD ( tương đương 4.549 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam tương đương 1.806 tỷ đồng. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng chiều dài 51km (bao gồm 27 cầu và có 03 nút giao khác mức liên thông tại huyện Vĩnh Thạnh, ĐT 963 và Rạch Giá, 20km đường gom và hệ thống cống thoát nước hoàn chỉnh). Dự án được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp gồm: CW1 nằm trên địa phận TP. Cần Thơ với chiều dài 24,17km, 11km đường gom và 13 cầu và hệ thống thoát nước; CW2 nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang với chiều dài 27km, có 9km đường gom và 14 cầu cùng hệ thống thoát nước.
Theo quy hoạch tổng thể, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là đoạn thuộc trục Chơn Thành - Đất Mũi của đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013. Hiện nay, theo phân kỳ đầu tư, Dự án được xây dựng có tiêu chuẩn hình học phù hợp với quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 80 km/h; có 04 làn xe, có dải phân cách cứng, kết cấu mặt đường láng nhựa, tổng chiều dài là 51km. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe và mặt đường bê tông nhựa, vận tốc thiết kế là 100km/h. Điểm đầu dự án tại Km02+104.11 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, kết nối Dự án xây dựng cầu Vàm Cống đã hoàn thành và đưa vào khai thác; Điểm cuối dự án tại Km53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, kết nối với dự án Tuyến tránh Rạch Giá.
Dự án được Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng vào ngày 17/01/2016, sau 5 năm triển khai xây dựng, đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ 12/01/2021 và chỉ cho phép các phương tiện cơ giới đường bộ được lưu thông trừ mô tô, xe gắn máy.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi hoàn thành cùng với các dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống...) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương có dự án đi qua nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung, giúp làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan.
Đồng thời, tiếp tục kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) (là các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai) để tạo thành trục dọc nối từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tạo tiền đề cho việc hình thành tuyến cao tốc phía Tây song song với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đến Cà Mau) và cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc hiện đại, đồng bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong khu vực và của đất nước.
Ông Đặng Hoàng Hồ (51 tuổi) tài xế xe khách Phương Trang chạy tuyến Rạch Giá-Sài Gòn bày tỏ niềm vui: Nếu đi theo QL 80 (đường cũ) từ Vĩnh Thạnh đến số 10 đường rất nhỏ hẹp 2 xe qua mặt muốn không lọt, cầu thì cao dựng đứng chạy rất sốc, tình trạng họp chợ nhất là chợ Kinh 8, Mong Thọ những giờ cao điểm người bán tràn ra đường rất nguy hiểm, dọc tuyến QL80 nhà cửa san sát, mật độ giao thông cao nên phải cho xe chạy rất chậm, thường phải mất từ 1 giờ 45 phút mới qua khỏi đoạn Rạch Sỏi đến cầu Vàm Cống, nay chỉ mất 50 phút. Nếu theo lộ cũ thì phải mất khoảng 6 giờ đi từ bến xe Rạch Sỏi -TP.HCM. Khi có tuyến đường mới này xe được chạy 80km giờ, mật độ phương tiện giao thông thấp (không có mô tô, xe máy) nên rút ngắn thời gian từ 30 phút đến 1 giờ so với trước đây, nhiên liệu cũng tiết kiệm hơn.
Có thể bạn quan tâm