Quảng Nam: Dân tái định cư mỏi mòn mong... an cư
Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hàng chục hộ dân tại xã Bình Nam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa thể an cư tại khu tái định cư.
Hơn 17 năm qua, 24 hộ dân tại thôn Vịnh Giang, xã Bình Nam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) di dời vào tái định cư để sống nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mỏi mòn mong an cư
Theo tìm hiểu, 24 hộ dân đang sinh số tại thôn Vịnh Giang đã đồng ý để nhà nước thu hồi đất phục vụ công trình đường thanh niên tại địa phương. Người dân nơi đây được bố trí đến một khu tái định cư mới gần với vị trí cũ, tuy nhiên, sau hơn 17 năm chuyển vào sinh sống tại khu tái định cư họ vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) khiến đời sống trở nên bấp bênh.
Bà Trương Thị Thanh (thôn Vịnh Giang) cho biết người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng cũng không được. Việc chính quyền đã hứa hẹn nhiều lần, kéo dài từ đời lãnh đạo này sang đến lãnh đạo khác nhưng vẫn không thể giải quyết nổi đã khiến người dân bức xúc trong thời gian dài.
Cũng theo bà Thanh, trước đó UBND huyện Thăng Binh đã gặp mặt và đối thoại với dân. Trong đó, ông Võ Văng Hùng - Chủ tịch UBND huyện đứng ra chịu trách nhiệm đối với việc mang Giấy CNQSDĐ về cho dân.
“Việc hứa hẹn đã diễn ra quá nhiều nhưng vẫn chưa thấy kết quả, hồi đáp khiến người dân chúng tôi lo lắng, mòn mỏi mong được an cư. Việc chuyển vào tái định cư là đất đổi đất để làm đường thanh niên, nếu bây giờ bắt chúng tôi đóng tiền sử dụng để ra sổ là điều vô lý. Trong khi trước đó vận động dân dời đi thì chính quyền chỉ nói suông, không có bất kì loại giấy tờ nào khiến chúng tôi vào cảnh bất lợi”, bà Trương Thị Thanh nói.
Được biết, phần lớn người dân địa phương sinh sống bằng nghề biển, tuy nhiên thuyền nhỏ đánh bắt không hiệu quả, muốn vay vốn để đóng tàu lớn để vương khơi bám biển. Nhưng ngặt nổi không có Giấy CNQSDĐ để thể chấp vay vốn, nên hoạt động kinh tế vì thế mà giảm sút, không thể ổn định cuộc sống.
“Ở trên đất của mình nhưng không có giấy tờ giống như “dân ở lậu” vậy. Nếu thời gian sau có dự án tại địa phương có thể chúng tôi sẽ mất trắng đất bởi không có bất cứ giấy tờ gì để khẳng định”, một người dân địa phương nói.
Thiếu trách nhiệm cả đôi bên?
Trước đó, DĐDN đã có bài viết phản ánh về sự việc này. Đại diện UBND xã Bình Nam cho biết vẫn còn một số vướng mắc trong việc cấp sổ hồng cho người dân trong khu tái định cư. Theo đó, về mặt hồ sơ tại xã đã hoàn tất chỉ còn vướng một điểm ở phương án di dời không thuộc thẩm quyền của xã. Sau này tìm không thấy phương án nên chưa thể cấp sổ cho người dân, nếu có phương án thì sẽ cấp Giấy CNQSDĐ cho dân từ sớm. Tuy nhiên, vướng mắc từ lâu đến nay vẫn chưa thể tháo gỡ còn nhân dân thì mỏi mòn chờ đợi.
Ông Phạm Công Quốc - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập đoàn thanh tra lại tất cả các hộ tại khu vực tái định cư, hiện nay địa phương đang chờ kết quả của thanh tra tỉnh. Theo ông Quốc, ngày trước do lúc di dời dân để làm đường ven biển có nhiều trường hợp khác nhau, diện tích di dời cũng khác nhau và không có số liệu về diện tích thực bị thu hồi nên rất khó khăn trong việc xác định.
“Nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý, UBND tỉnh có quyết định giao Giấy CNQSDĐ thì UBND huyện sẽ có sổ trong vòng 15 ngày. Hiện tại, địa phương và UBND huyện đang chờ kết luận của thanh tra tỉnh, vướng ở khâu cấp là phải thu hồi tiền sử dụng đất, nhưng như thế thì bất lợi cho người dân”, ông Phạm Công Quốc nói.
Ông Quốc cho biết, nếu đóng mức phí ra sổ như hiện tại 350 nghìn đồng/mét vuông thì rất khó cho nhân dân bởi ngày trước nhân dân chấp hành chủ trương của chính quyền rất tốt. Hiện tại địa phương mong muốn cấp sổ nhưng người dân không phải đóng tiền phí.
“Thời gian qua chính quyền xã cũng đã đôn đốc, phối hợp, cung cấp tất cả các hồ sơ để các cấp có thẩm quyền mau chóng làm việc để bà con ổn định đời sống. Việc này xuất từ việc thiếu trách nhiệm của cả hai bên, một phần là trước đây người dân không lo làm sớm. Phần còn lại là do trước đây chính quyền cứ nói bà con đi thôi chứ không đề cập đến vấn đề đời sống vật chất sau này”, Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết địa phương đã có văn bản gửi UBND tỉnh xem xét.
“Người dân địa phương đã “la” nhiều lần rồi, huyện đã đề xuất với tỉnh và chắc sẽ có kết quả sớm thôi”, ông Nguyễn Văn Húy thông tin.
Có thể bạn quan tâm