Giải pháp nào giúp Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp mang tầm vóc khu vực vào năm 2025?
Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm công nghiệp mang tầm vóc khu vực, GRDP/người đạt khoảng 9.400 – 11.000 USD. Để đạt được mục tiêu này, TP Cần Thơ đã đặt ra 6 giải pháp cụ thể.
Theo đó, tại Quyết định số 550/QĐ-UBND của UBND thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại, UBND thành phố Cần Thơ đã đặt ra 6 giải pháp nhằm đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và mang tầm vóc khu vực vào năm 2025.
Một là: Giải pháp tạo lập môi trường đầu tư và cải cách hành chính. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến khâu triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động. Tập trung vào một đầu mối giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp.
Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, đảm bảo phần lớn các giao dịch hành chính, cung cấp dịch vụ công, thông tin về cơ chế, chính sách được thực hiện qua mạng; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ... của cán bộ, công chức, nhất là khi làm việc với các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Hai là: Chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp. Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư của thành phố phù hợp với từng ngành, lĩnh vực công nghiệp với mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp lý chung của Nhà nước, chú trọng các hình thức đầu tư mới gắn quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư.
Quyết liệt chỉ đạo ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của thành phố, với cơ chế sử dụng nguồn vốn thương mại lãi suất thấp do ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 3%/năm) trong một thời hạn nhất định. Xây dựng ưu đãi đầu tư cho các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có thị trường ổn định, đặc biệt là hàng xuất khẩu; các ngành công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nhiều nguyên liệu tại chỗ, thu hút nhiều lao động; các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Ban hành và áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư như ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, khuyến khích các doanh nghiệp lớn gắn với doanh nghiệp nhỏ nhằm cung cấp vốn, thông tin, tư vấn hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ đào tạo; ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ về thủ tục thuê đất đơn giản, thỏa thuận địa điểm cấp đất, đền bù giải tỏa, tổ chức cấp giấy phép đầu tư, cấp giấy phép xây dựng một cách nhanh chóng; ưu đãi các cơ sở sản xuất bố trí tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về cho vay tín dụng, thuế lợi tức thấp hơn, thời gian thẩm định dự án ngắn.
Ba là: Giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển dịch vụ công nghiệp. Xây dựng chính sách tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai đồng bộ và quyết liệt các đề án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố và quốc gia. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, thực hiện theo Luật số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hỗ trợ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp khi áp dụng đăng ký qua mạng điện tử quốc gia và phí công bố thành lập doanh nghiệp lần đầu thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố Cần Thơ.
Hình thành hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp; phát triển tổng hợp các loại hình dịch vụ, đa dạng hóa quan hệ thị trường và đối tác hợp tác với sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực công nghiệp, thương mại, như: dịch vụ công quản lý nhà nước về đầu tư và quản lý sản xuất kinh doanh, dịch vụ tài chính, thuế quan, ngân hàng, viễn thông, mạng lưới vận tải, nhà ở, thương mại, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và dịch vụ công nghệ cao.
Bốn là: Giải pháp, chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn thành phố. Xây dựng sàn giao dịch công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và kinh doanh trong các doanh nghiệp công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tập trung đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, đồng bộ hóa công nghệ trong những ngành có lợi thế của thành phố như chế biến sản phẩm thủy sản, thực phẩm; sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất, hóa dược.
Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu trí tuệ trong thời đại số. Ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu được cấp chứng nhận, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với mỗi sáng chế, giải pháp hữu ích; chi phí đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu công nghiệp đối với mỗi kiểu dáng công nghiệp, đăng ký bảo hộ cho một nhãn hiệu tại nước ngoài được thực hiện theo chính sách Nhà nước và quy định của thành phố hiện hành.
Năm là: Giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực. Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu và địa chỉ, gắn chương trình đào tạo với yêu cầu thực tiễn công việc, nhằm đảm bảo cho người lao động đào tạo ra được sử dụng đúng với chương trình đào tạo.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao, khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp, khuyến khích tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao.
Có chính sách phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp công nghiệp trong thành phố. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành công nghiệp, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đầu tư, hỗ trợ thành lập các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực các trung tâm ứng dụng, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các viện nghiên cứu chuyên ngành. Hình thành sản giao dịch công nghệ, kết nối Cần Thơ với các trung tâm trong nước và quốc tế.
Sáu là: Giải pháp bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường nhằm tăng cường thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường. Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động nhằm phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, nước thải trong các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường, trở thành ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, sản phẩm môi trường, dịch vụ xử lý chất thải rắn, nước thải, tái sử dụng chất thải... phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế theo các quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Cần Thơ sẽ trở thành Trung tâm công nghiệp mang tầm khu vực vào năm 2025?
11:00, 17/03/2021
Ngày 13/3, Hội nghị sơ kết Nghị quyết về phát triển vùng ĐBSCL sẽ diễn ra tại Cần Thơ
15:47, 10/03/2021
Cần Thơ định hướng thu hút 80.000 tỷ đồng phát triển nhà ở
10:00, 09/03/2021
Vì sao dự án trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ hấp dẫn nhà đầu tư?
15:27, 05/03/2021