DDCI (Quảng Ninh): Nền tảng nâng cao năng lực điều hành kinh tế địa phương
Việc triển khai hiệu quả Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương là yếu tố đóng góp quan trọng cho việc giữ vững vị trí số 1 về PCI của Quảng Ninh trong 3 năm gần nhất.
Theo Chỉ số DDCI Quảng Ninh 2020 vừa được công bố: khối sở, ban, ngành, ban quản lý các khu kinh tế giữ vị trí quán quân với điểm số 83,83; khối các huyện, thị xã, thành phố, Thành phố Cẩm Phả vươn lên vị trí thứ nhất.
Thực chất, hiệu quả
DDCI Quảng Ninh 2020 thực hiện đánh giá đối với 13 địa phương và 21 sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Khảo sát dựa trên sự tổng hợp ý kiến của khoảng 2.080 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ danh sách 6.500 doanh nghiệp với 12.500 phiếu gửi đi. Tỷ lệ hồi đáp 36,2% (so với trên 30% của năm 2018 và 34,65% năm 2019) với rất nhiều doanh nghiệp tích cực đóng góp ý kiến bổ sung.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Bộ chỉ số DDCI được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2015. Đến nay Bộ chỉ số đã dần khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh Quảng Ninh đưa ra những chương trình hành động thiết thực, sát đúng tình hình thực tiễn phát triển. DDCI là nền tảng để nâng cao chất lượng PCI của Quảng Ninh, cũng là việc làm thường xuyên nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh, của sở, ngành, địa phương ngày càng hiệu quả; thúc đẩy thi đua, cạnh tranh giữa các đơn vị; đồng thời cũng góp phần giúp Quảng Ninh bứt phá và liên tiếp giữ vững vị trí quán quân về PCI trong 3 năm vừa qua (2017, 2018 và 2019).
Định vị “thương hiệu” Quảng Ninh
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Quảng Ninh không phải là địa phương đầu tiên thực hiện đánh giá DDCI nhưng là tỉnh thực hiện DDCI bền bỉ và hiệu quả nhất, thiết thực nhất. Trong thời gian tới phải chọn Quảng Ninh như một nơi thử nghiệm các mô hình cải cách của Việt Nam. Trong đó, thứ nhất là xây dựng mô hình đại công trường, để thực hiện công nghiệp hoá nhưng ở phân cấp cao hơn trong chuỗi giá trị, chất lượng đầu tư. Thứ hai, phát huy kỳ quan thế giới về thiên nhiên, về tâm linh phát triển du lịch. Thứ ba, Quảng Ninh trở thành là cái nôi của cải cách, phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp. Thứ tư, xây dựng tổ hợp đào tạo, nghiên cứu đổi mới sáng tạo hàng đầu Việt Nam. VCCI sẽ đồng hành với Quảng Ninh trong việc triển khai thử nghiệm các mô hình mới.
Những tác động tích cực
Trên thực tế, DDCI đã tác động tích cực đến hoạt động của các sở, ban, ngành và địa phương. Cụ thể, trong Chỉ số thành phần Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, có tới 88% doanh nghiệp nhận định rằng các hoạt động, quy hoạch, kế hoạch, ngân sách của địa phương đều được cập nhật thường xuyên và đầy đủ. Đáng chú ý, trong chỉ số Chi phí không chính thức, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp chỉ còn 7% số doanh nghiệp phản ánh có hiện tượng cán bộ gây khó khăn để trục lợi.
Đối với khối sở ban ngành, liên quan đến tính năng động của các sở, ban, ngành, có tới 97% doanh nghiệp đánh giá các sở, ban, ngành đã thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách UBND tỉnh, và 92% doanh nghiệp cho rằng sở, ban, ngành đã chủ động tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh những đề xuất cụ thể theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Về chi phí thời gian, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng thời gian thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công là đúng quy định hiện hành (95%). Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá rất cao nỗ lực của các sở, ban ngành, với 87% doanh nghiệp cho rằng các chương trình hỗ trợ là thực chất và 81% doanh nghiệp cho rằng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã cải thiện nhiều.
Có thể bạn quan tâm