Giải mã sự phát triển ngoạn mục của Quảng Ninh
Có vị trí địa lý hết sức chiến lược cho thu hút đầu tư, Quảng Ninh đang thu hút những doanh nghiệp tầm cỡ nhờ sở hữu bộ máy chính quyền cầu thị, lắng nghe và không ngừng đổi mới
Doanh nghiệp khó – Có chính quyền!
Trong lần tiếp xúc với một doanh nhân Việt Kiều hoạt động lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao quyết định đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh sau một thời gian dài cân nhắc, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra câu hỏi cho vị doanh nhân kia tại sao lại chọn Quảng Ninh bởi hạ tầng để thu hút đầu tư tại đây lúc đó vẫn còn thua kém một vài tỉnh thành khác.
Trả lời câu hỏi của ông Tuấn, vị doanh nhân cho biết, nếu vì hạ tầng, chắc chắn họ sẽ không chọn Quảng Ninh bởi để đầu tư vào đây, doanh nghiệp của ông sẽ phải bỏ ra khoảng 84 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng. Sức hút của Quảng Ninh chính là thái độ của lãnh đạo tỉnh, sự rõ ràng, minh bạch trong chính sách cũng như tốc độ xử lý công việc của các cấp chính quyền, nhờ vậy có được niềm tin của các nhà đầu tư.
“Chính thái độ và sự quan tâm đối với các nhà đầu tư là điều giúp khắc phục những điểm yếu khác của Quảng Ninh. Quảng Ninh là địa phương có khát vọng lớn, tầm nhìn xa và đã đạt được những thành công lớn, có thương hiệu địa phương”, ông Tuấn nhìn nhận.
Thật vậy, mới đây sau khi hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh (QEZA) đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Singapore Lioncore Industries PTE,.LTD để thực hiện dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam với tổng mức đầu tư là 698.1 tỷ đồng (tương đương 30 triệu USD). Nhà đầu tư cam kết, sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Luỹ kế từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được được 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 40 triệu USD. Cụ thể là dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện Multi Sunny Việt Nam có mức vốn 10 triệu USD và dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam.
Từ vị trí thứ 58 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 13 năm trước, Quảng Ninh đã có sự bứt phá ngoạn mục khi liên tục giữ vị trí dẫn đầu trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019.
Trả lời câu hỏi “Quảng Ninh đã đi lên bằng cách nào?”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhìn nhận, tỉnh này không hề dựa vào vốn đầu tư, ngân sách của Nhà nước để phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư mà bứt phá bằng việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp, của người dân. Giữa chính quyền và người dân có sự tin tưởng lẫn nhau để phát triển, đặc biệt, nhiều dự án được thực hiện thông qua quan hệ đối tác công tư.
“Quảng Ninh đi đầu cả nước thực hiện thành công hình thức đối tác công tư, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm có tính động lực phát triển kinh tế - xã hội; tiên phong xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, nhất thể hóa các cơ quan chính trị”, ông Lộc nhìn nhận.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, đây không chỉ là sự thay đổi trong tư duy của lãnh đạo tỉnh, của nghị quyết mà đã trở thành hành động của cả bộ máy.
Cái nôi của cải cách chính quyền cơ sở
Dù đã đạt được vị trí dẫn đầu về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trở thành cái nôi về cải cách ở Việt Nam song tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục nỗ lực để cải cách, đưa ra nhiều sáng kiến mới nhằm hỗ trợ tích cực nhất cho các doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là thông qua bộ đánh giá chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh sở, ngành (DDCI) mới công bố cho thấy được sự hiệu quả trong cải cách và nâng cao năng lực của hệ thống.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, mặc dù không phải là địa phương đi đầu áp dụng bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương nhưng Quảng Ninh là địa phương triển khai DDCI chuyên nghiệp nhất, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ nhất, luôn có sự đổi mới, tạo ra phương thức, công cụ quan trọng để truyền lửa cải cách, đưa áp lực cải cách về cơ sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho rằng, thời gian tới, để cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index, các sở, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc phương châm chính quyền phục vụ doanh nghiệp, người dân; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế và bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để có nhiều sáng kiến giải pháp mới, cụ thể, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tiễn của năm 2021; đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thật trách nhiệm, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả “Đề án Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” gắn với thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, tiếp tục cải cách mạnh mẽ hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả hơn nữa; rà soát và hoàn thiện các quy trình nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên thông; hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng ý với quan điểm của Chủ tịch Quảng Ninh, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Quảng Ninh đang là cái nôi của cải cách chính quyền cơ sở của Việt Nam, sắp tới, tỉnh cần nỗ lực đạt mục tiêu một mặt đáp ứng niềm tin kỳ vọng của người dân, một mặt hướng tới chuẩn của thế giới.
Trong các giải pháp sắp tới, cần nhìn vào các thành phố dẫn đầu khu vực và thế giới để so sánh và học hỏi mô hình, đặt mục tiêu trở thành một trong những quán quân về cải cách của khu vực, vươn lên trở thành khu vực năng động nhất, nơi đáng sống, đáng kinh doanh, nơi hạ cánh của các nhà đầu tư trong nước và thế giới.
Có thể bạn quan tâm