ĐBSCL công bố mô hình trung tâm logistic đầu tiên phục vụ xuất khẩu nông sản
Mô hình logistics “một điểm đến đa dịch vụ” dành riêng cho nông sản xuất khẩu được giới chuyên môn kì vọng sẽ tháo gỡ nút thắt nhằm phát triển phân phối nông sản tại vùng.
ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Chưa kể, tình trạng một số cảng trọng điểm tại TP.HCM thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…
Theo ông Lê Tiến Châu – Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, ĐBSCL rất thiếu các trung tâm logistics trọng điểm. Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm, và phải đưa lên TP.HCM để xuất đi các nơi, trong khi hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển. Những điểm hạn chế này dẫn đến thực trạng nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí Logistics. Chi phí logistics hiện tại đang chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý, cụ thể là lên đến 30% giá thành sản phẩm, khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc…
Do đó, mô hình Trung tâm logistics “một điểm đến đa dịch vụ” này ra đời sẽ giúp nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam và tối ưu hoá chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt ở thị trường quốc tế. Ông Phạm Tiến Hoài – Tổng Giám đốc Hanh Nguyen Logistics – chủ đầu tư của mô hình trung tâm logistics “một điểm đến đa dịch vụ” nói trên cho biết: “Trung tâm này giải quyết được tất cả các khó khăn của 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (tức thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và nhà nhập khẩu”. Riêng với nhà nông, trung tâm sẽ là nơi quy tụ hằng trăm thương nhân để bà con nông dân giao dịch, chào bán nông sản; đặc biệt là có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như tập quán bao đời nay. Điều này giúp bà con nông dân không còn gặp áp lực về thời gian chốt giá, thoải mái tìm đầu ra cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận công bằng so với công sức, tiền của đã đầu tư, đồng thời không còn lâm cảnh “giải cứu nông sản” như thường thấy.
Với các doanh nghiệp nông sản, trung tâm này có kho dự trữ lên đến 150.000 tấn, xưởng phân loại, đóng gói, chiếu xạ, giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không cần đầu tư hàng chục tỉ đồng vẫn có cơ sở chế biến, đóng gói hiện đại phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa. Trung tâm còn mở ra hàng trăm gian hàng trưng bày sản phẩm để các doanh nghiệp giao dịch với các nhà nhập khẩu quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu quốc tế không cần phải đi khắp vùng ĐBSCL để tìm kiếm nguồn nông sản để nhập về nước họ như trước đây mà chỉ cần đến trung tâm trên để lựa chọn những sản phẩm ưng ý nhất.
Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ đánh giá: “Ở Đông Nam Á, chỉ có 2 quốc gia ký EVFTA với EU, là Singapore và Việt Nam. Hiêp định này đã giúp chúng ta có được lợi thế đáng kể trong cuộc chạy đua với Thái Lan, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Việc ra đời những trung tâm logistics kịp thời như Hạnh Nguyên Logistics tại Hậu Giang là vô cùng quan trọng, giúp hàng hoá nông sản Việt Nam có tính cạnh tranh hơn, nâng tầm chất lượng hơn trên thị trường khó tính như châu Âu. Chúng ta cần nhiều trung tâm logistics lớn như vậy nữa để phát triển bứt phá”.
Cũng theo ông Lam, trung tâm logistics hiện đại với hệ thống kiểm định chất lượng, chiếu xạ đạt chuẩn xuất khẩu sẽ giúp giải quyết căn cơ vấn đề xuất khẩu chính ngạch, đó là vượt qua hàng rảo kỹ thuật khắt khe của các thị trường khó tính. Ngoài ra, kho dự trữ lớn sẽ giúp tập trung được nguồn nguyên liệu dồi dào, bền vững.
Ông Lê Tiến Châu – Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang nhận định: “Trung tâm này sẽ là cầu nối giữa nông dân, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu; nâng tầm vị thế của người nông dân; mở ra một sân chơi bình đẳng công bằng. Cả nhà nước, người nông dân, doanh nghiệp đều được lợi. Lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ những mô hình hay như thế này bằng cách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng, tạo điều kiện về quỹ đất… Và để hỗ trợ phát triển logistics, trong nhiệm kỳ tới đây, tỉnh Hậu Giang sẽ đầu tư 18.000 tỷ để phát triển hạ tầng giao thông, gia tăng liên kết vùng.
Theo bà Trang Bùi - Giám đốc Cấp cao thị trường Việt Nam, các tập đoàn lớn khi đầu tư đều xây dựng trung tâm logistics đi kèm, và đây là xu hướng của thế giới. Việc hình thành những trung tâm logistics đa dịch vụ như trên sẽ góp phần thay đổi diện mạo của nông sản ĐBSCL; tạo điều kiện tốt nhất để nông sản xuất khẩu mạnh ra thị trường quốc tế, từ đó đóng góp tăng trưởng đáng kể cho GDRP của ĐBSCL và Hậu Giang.
Để bổ sung cho điểm khuyết thiếu cảng nước sâu của khu vực, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Nam tuy có vị trí tại Long An nhưng điểm kết nối với 13 tỉnh ĐBSCL cùng TP HCM khiến Cảng Quốc tế Long An có thể phát huy giá trị của mình. Đồng thời góp phần hoàn bị chuỗi cung ứng đồng bộ cho nông sản, từ canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - làm sạch - lưu trữ - chiếu xạ, cho đến kho vận, ra cảng và thông quan - xuất khẩu…
Hy vọng đây sẽ là một mô hình "điểm" để các địa phương cũng sẽ nhân rộng các trung tâm logistic, phát huy sức mạnh liên kết tạo chuỗi ngay từ trong nội địa, để tiến ra vị thế lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
26-27/4: Diễn đàn Kết nối du lịch TP.HCM và ĐBSCL lần 2 sẽ diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp
16:43, 28/03/2021
Bất động sản ĐBSCL có cơ hội tăng giá nhiều hơn các tỉnh Miền Đông
19:12, 19/03/2021
Thủ tướng nêu "8 chữ G" trong phát triển bền vững ĐBSCL
16:56, 13/03/2021
10 năm tới, tập trung hoàn thiện hạ tầng thiết yếu cho ĐBSCL
16:38, 12/03/2021