Thanh Hóa: Xây dựng huyện Thọ Xuân là 1 trong 4 trung tâm kinh tế lớn của tỉnh
Để phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm phát triển động lực của tỉnh, huyện Thọ Xuân đã phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có, tận dụng sức hấp dẫn để hút các nhà đầu tư.
Nhiệm kỳ vừa qua, huyện Thọ Xuân đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt kết quả nổi bật với hơn 23.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011-2015. Kết quả này đã góp phần làm tăng thêm năng lực sản xuất cho các ngành, các lĩnh vực, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Thọ Xuân.
Năm 2018, 2019 được coi là các năm của những dự án trọng điểm được đầu tư và khởi công xây dựng trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, toàn huyện có 122 dự án đề nghị chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư trên địa bàn. Đến nay, có 76 dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư với tổng số vốn đăng ký 7.590,713 tỷ đồng, quy mô diện tích 1.069,278 ha. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các dự án lớn như: Nhà máy gạch công nghệ cao, phát thải thấp (Công ty CP Á Mỹ - Thọ Xuân) tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng, diện tích 6,7 ha; Dự án Siêu thị A&S Mart (Công ty CP Siêu thị A&S) tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, diện tích 1,1 ha; Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản Đồng Tâm (Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đồng Tâm) tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, diện tích 4 ha; dự án sản xuất và lai tạo giống gà công nghệ cao tại xã Xuân Phú, tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng... đã đánh dấu bước nhảy vượt bậc về thu hút đầu tư và chất lượng đầu tư của huyện.
Trong quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 tại Quyết định số 2539/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành tháng 6/2019 đã định hướng đến năm 2030 thành lập thành phố Thọ Xuân. Ở đó, Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng có vai trò tối quan trọng trong phát triển kinh tế, đô thị hóa cũng như liên kết vùng giữa khu vực đồng bằng và miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Thọ Xuân đã trở thành là điểm sáng của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua. Năm 2020, tuy tình hình dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn, nhưng tốc độ phát triển kinh tế của huyện vẫn đạt 16,36%, thuộc những địa phương có tỷ lệ tăng trưởng cao trong tỉnh; trong năm, địa phương đã huy động tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển đạt hơn 5.920 tỷ đồng.
Ông Lý Đình Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Đây là thành quả đáng ghi nhận sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường đầu tư. Với tư duy mang tính đột phá, huyện Thọ Xuân luôn xác định phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Đồng thời tích cực phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, thế mạnh nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, tạo thế và lực phát triển nhằm phấn đấu đưa Thọ Xuân sớm trở thành một trong những huyện thuộc tốp dẫn đầu về thu hút đầu tư của tỉnh.
Cùng với các dự án lớn, huyện cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh bình đẳng. Trong 5 năm (2016-2020) toàn huyện đã thành lập mới 730 doanh nghiệp, năm 2020 ước có 1.070 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, huyện Thọ Xuân tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tập trung cụ thể hóa các chương trình, đề án, kế hoạch phù hợp, sát thực tế, có tính khả thi cao gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp phù hợp với quy hoạch Thọ Xuân là 1 trong 4 trung tâm kinh tế động lực phát triển của tỉnh; có giải pháp hữu hiệu để huy động các nguồn lực đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp một cách toàn diện nhưng trọng tâm, trọng điểm; tập trung giải quyết những việc lớn, việc có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến đời sống của Nhân dân.
Có thể bạn quan tâm