Quảng Ninh: Xung lực lớn để phát triển kinh tế
Dấu ấn PCI sẽ tạo xung lực lớn cho phát triển kinh tế, nhất là những thế mạnh như du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng và khu công nghiệp của Quảng Ninh.
Không những tự phá kỷ lục của chính mình trong việc dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, mà Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong bảng xếp hạng này từ năm 2010 trở lại đây. Dấu ấn này sẽ tạo xung lực lớn cho phát triển kinh tế, nhất là những thế mạnh như du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng và khu công nghiệp của Quảng Ninh.
Cú hích của dòng xoáy hút vốn đầu tư
Chỉ số PCI vốn được xem là tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, là bảo chứng của tinh thần cải cách trong việc truyền tải những thông điệp, kỳ vọng và khuyến nghị từ khu vực tư nhân đến với các cấp chính quyền để nâng cao năng lực điều hành của mỗi địa phương.
Vốn từ vị trí 58/63 vào năm 2007, sau 10 năm Quảng Ninh đã vươn lên đứng đầu trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI vào năm 2017, để rồi tiếp tục duy trì, giữ vững ngôi vương suốt từ khi đó, tới nay đã nửa thập niên. Bên cạnh đó, 2020 còn đánh dấu mốc quan trọng khi Quảng Ninh thăng hạng 2 bậc trở thành tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh - PAPI 2020. Quảng Ninh dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Cung ứng dịch vụ công. Điều này cho thấy, sự cởi mở của các cấp lãnh đạo, sự minh bạch trong chính sách đã biến Quảng Ninh thành mảnh đất vàng hút giới đầu tư.
Nhìn lại năm 2009, PCI của Quảng Ninh khá thấp, đứng vị trí 26/63 tỉnh. Khi ấy, vốn đầu tư các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng tới 70% tổng đầu tư trên địa bàn với giá trị khoảng 22.600 tỷ đồng, gấp gần 6 lần vốn đầu tư của khu vực tư nhân. Trong khi đó, tổng thu ngân sách của tỉnh chỉ vỏn vẹn 18.500 tỷ đồng.
Xác định đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân là động lực, Quảng Ninh đã xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Quảng Ninh đã mời gọi được hàng loạt thương hiệu, doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vingroup, FLC, Sam Sung, Foxconn… Đó được xem là những bàn đạp giúp Quảng Ninh dần bứt phá, chiếm lĩnh vị thế đầu tàu kinh tế của khu vực Bắc Bộ. Đặc biệt, năm 2020, bất chấp những khó khăn của đại dịch COVID-19 gây chao đảo nền kinh tế toàn cầu, Quảng Ninh vẫn là địa phương hút vốn đầu tư khủng. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 của đất mỏ dẫn đầu cả nước. Quy mô kinh tế đạt gần 10 tỷ USD, thu ngân sách đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 10% dự toán, tăng 7% so với năm 2019. Quảng Ninh cũng sở hữu lượng doanh nghiệp khổng lồ với tổng vốn FDI khoảng 592,5 triệu USD, gấp 2,6 lần so với năm 2019, vượt 10% kế hoạch năm.
Hướng đến phát triển công nghiệp bền vững
Mặc dù gặp nhiều thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra nhưng tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong đảm bảo sức sản xuất cũng như nguồn lao động cho các dự án đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Theo Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, mặc dù chưa thực sự là động lực tăng trưởng kinh tế nhưng trong thời gian qua, các khu công nghiệp và khu kinh tế tại Quảng Ninh đã thể hiện rõ vai trò đối với việc đảm bảo mục tiêu khu vực dịch vụ và thuế, sản phẩm, góp phần giữ vững được sự ổn định và phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh uỷ, vẫn còn một số vấn đề cần thẳng thắn nhìn nhận. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đạt 37.6%. Quy mô vốn, trình độ công nghệ, mức đóng góp, tạo đột phá tăng trưởng, hiệu quả về kinh tế xã hội chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế.
Bên cạnh đó, tiến độ đầu tư của một số nhà đầu tư khu công nghiệp còn chậm, nhất là về kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, dẫn tới chưa thu hút mạnh được các dự án thứ cấp có thương hiệu, có quy mô lớn, thậm chí có tình trạng giữ đất. Việc quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, môi trường, vật liệu san lấp tại các khu công nghiệp còn có những mặt hạn chế.
Để việc hoạt động của các khu công nghiệp bền vững, Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Quý yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng, phê duyệt Đề án, ban hành và triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về “xây dựng, phát triển khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, khu kinh tế ven biển Quảng Yên và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040”.
Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính, thu hút nguồn nhân lực. Đồng thời, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, thu hút các dự án đầu tư, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp tỉnh, cấp huyện và trách nhiệm của người dân, đảm bảo phát triển bền vững.
Ngoài ra, Quảng Ninh cần khai thác hiệu quả hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với hành lang giao thông của hai tuyến phía Đông và phía Tây với kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, quy hoạch quỹ đất phát triển khu công nghiệp chuyên sâu dành cho Hàn Quốc, Nhật Bản tại Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hạ Long.
Có thể bạn quan tâm
Hầm xuyên núi kết nối hạ tầng Quảng Ninh
01:45, 22/04/2021
Bất động sản công nghiệp Quảng Ninh đón đầu xu hướng công nghệ 4.0
14:33, 20/04/2021
PCI Quảng Ninh: Thực chất, hiệu quả và khẳng định vị thế!
13:37, 15/04/2021
PCI 2020: Quảng Ninh trở thành quán quân PCI năm thứ tư liên tiếp
09:36, 15/04/2021