Châu Âu "cấp visa" cho cây quế Quảng Ninh

LÊ CƯỜNG 02/05/2021 03:19

Cây quế ở Quảng Ninh đã được Control Union Certifications cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu (EU). Đây được coi là "giấy thông hành" để quế Quảng Ninh tiếp cận thị trường châu Âu.

Quảng Ninh hiện có trên 3.400ha cây quế, được trồng tập trung tại Huyện Đầm Hà (4.500ha), huyện Tiên Yên (900ha), huyện Bình Liêu (700ha); ngoài ra còn trồng rải rác tại các huyện Ba Chẽ, Hải Hà...

Tháng 4 đến tháng 6 là mua thu hoạch Quế tại Quảng Ninh. Ảnh Khánh Giang

Tháng 4 đến tháng 6 là mua thu hoạch Quế tại Quảng Ninh. Ảnh Khánh Giang

Từ giữa tháng 4, người dân ở các vùng trồng Quế Quảng Ninh lại nhộn nhịp thu hoạch và xuất bán các sản phẩm từ cây quế. Anh Hàm Văn Hân, huyện Bình Liêu cho biết, cây quế cho giá trị kinh tế cao vì có thể khai thác nhiều lần, có thể bán từ vỏ đến thân, lá. Cũng theo anh Hân, hiện gia đình anh còn khoảng 2ha rừng quế đang cho thu hoạch. Mỗi ngày, trung bình một người có thể bóc được hơn 40kg vỏ quế.

Từ đầu vụ đến nay, gia đình anh đã thu hoạch và bán được gần 80 triệu đồng tiền quế. Thu nhập từ quế giúp gia đình anh trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi các con ăn học. Năm nay, anh lại tiếp tục trồng mới thêm hơn 1 vạn cây quế để vừa phủ xanh rừng, vừa tăng thu nhập cho gia đình.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, ước tính tổng giá trị kinh tế 1ha quế trồng được khoảng 15 năm đạt 580 triệu đồng từ việc tỉa thưa để thu cành, lá, vỏ; từ việc khai thác năm cuối thu cành, lá, vỏ, thân gỗ; ngoài ra, còn các sản phẩm phụ như hạt giống... Lợi nhuận trung bình người dân trồng quế thu được ước tính đạt 38,7 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 2 lần so với trồng các loại cây gỗ khác.

Tuy nhiên, thực tế phát triển cây quế ở Quảng Ninh những năm qua cũng đang cho thấy một số bất cập. Sản lượng quế chưa cao, giá thu mua chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cây quế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn…

Người dân huyện Bình Liêu thu hoạch cây quế.

Người dân huyện Bình Liêu thu hoạch cây quế.

Để khắc phục những bất cập trên cũng như phát triển tiềm năng từ cây quế nói riêng, các loại cây lâm nghiệp, nông nghiệp của tỉnh nói chung, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các địa phương cũng có sự hỗ trợ về xây dựng các vùng sản xuất tập trung, áp dụng KHKT trong trồng, chăm sóc...Những chính sách trên đã ngay lập tức cho thấy những tín hiệu tích cực.

Tháng 3/2021, cây quế ở Quảng Ninh đã được Control Union Certifications (Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu (EU). Đây có thể nói là một trong những "giấy thông hành" rất quan trọng để quế Quảng Ninh tiếp cận thị trường châu Âu.

Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà có vốn 100% nước ngoài, thuộc Tập đoàn Mitani (Nhật Bản), chuyên sản xuất, chế biến tiêu, quế đánh, chất lượng quế của Quảng Ninh đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, bởi có chỉ số hoạt chất Couramin  dao động từ 595-893 ppm, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu là thấp hơn 3.500 ppm (các giống quế khác ở miền Bắc như tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái, chỉ số này dao động từ 3.630-7.903 ppm). Đây chính là lợi thế xuất khẩu sang thị trường châu Âu của quế Quảng Ninh so với quế các tỉnh khác trong khu vực.

Cây quế là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Đầm Hà.

Cây quế là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Đầm Hà.

Dự kiến, Quảng Ninh sẽ xây dựng vùng trồng quế tập trung thêm 150 ha-200 ha tại các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Việc sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ hướng đến các thị trường xuất khẩu có giá trị cao đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ từ các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến. Mỗi mắt xích đều quan trọng, vì vậy yêu cầu sự vào cuộc của hệ thống quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhất là người sản xuất. Vì vậy, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cây quế.

Ông Hoàng Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, cho biết: Là địa phương có sản lượng khai thác quế khô hằng năm lớn nhất tỉnh, khoảng 650-700 tấn/năm, cao nhất đến 1.000 tấn/năm, huyện đã xây dựng dự án Organic quế nhằm mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ và châu Âu, đáp ứng khoảng 200 tấn quế khô hữu cơ năm 2021 và duy trì mở rộng 400-600 tấn quế khô các năm tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Xung lực lớn để phát triển kinh tế

    Quảng Ninh: Xung lực lớn để phát triển kinh tế

    03:00, 26/04/2021

  • Hầm xuyên núi kết nối hạ tầng Quảng Ninh

    Hầm xuyên núi kết nối hạ tầng Quảng Ninh

    01:45, 22/04/2021

  • Bất động sản công nghiệp Quảng Ninh đón đầu xu hướng công nghệ 4.0

    Bất động sản công nghiệp Quảng Ninh đón đầu xu hướng công nghệ 4.0

    14:33, 20/04/2021

  • Quảng Ninh: Thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trên diện rộng

    Quảng Ninh: Thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trên diện rộng

    12:16, 30/04/2021

  • PCI 2020: Quảng Ninh trở thành quán quân PCI năm thứ tư liên tiếp

    PCI 2020: Quảng Ninh trở thành quán quân PCI năm thứ tư liên tiếp

    09:36, 15/04/2021

  • PAPI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về hiệu quả quản trị và hành chính công

    PAPI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về hiệu quả quản trị và hành chính công

    13:10, 14/04/2021

LÊ CƯỜNG