Bến Tre: Đột phá phát triển về hướng Đông

THÙY LINH 13/05/2021 08:11

Phát triển Bến Tre về hướng Đông là một chủ trương hoàn toàn mới, với ý nghĩa sẽ quyết định sự phát triển đột phá cho Bến Tre trong giai đoạn tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (thứ bảy từ trái sang) và đoàn công tác khảo sát dự án Nhà máy điện gió số 5 chụp ảnh lưu niệm cùng anh em công nhân đang thi công dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến TreTrần Ngọc Tam (thứ bảy từ trái sang) và đoàn công tác khảo sát dự án Nhà máy điện gió số 5 chụp ảnh lưu niệm cùng anh em công nhân đang thi công dự án.

Dự án Nhà máy điện gió số 5 có tổng mức đầu tư dự án là 6.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre làm chủ đầu tư tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đến nay đã thi công cơ bản hoàn chỉnh trụ tua bin gió đầu tiên của Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải 1, dự kiến chạy thử và hòa lưới điện quốc gia vào ngày 15/6/2021. 

Ông Mai Văn Long – Tổng Giám đốc Tân Hoàn Cầu Bến Tre cho biết, thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục thi công hoàn chỉnh các trụ tua bin gió còn lại của Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải 1 và hệ thống các trụ tua bin gió của Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải 2, 3 và 4. Mục tiêu đến ngày 30/10/2021 sẽ hòa lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, việc thi công hoàn chỉnh trụ điện gió đầu tiên đánh dấu bước phát triển mới của ngành sản xuất năng lượng sạch của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông, đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó có ngành năng lượng sạch.

Trụ tua bin gió đầu tiên của Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải 1.

Trụ tua bin gió đầu tiên của Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải 1.

Phát triển Bến Tre về hướng Đông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững là một trong những nội dung lớn của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là một chủ trương hoàn toàn mới, với ý nghĩa sẽ quyết định sự phát triển đột phá cho Bến Tre trong giai đoạn tới. 

Với lợi thế bờ biển dài 65km, kinh tế biển ở Bến Tre đã có bước phát triển tích cực. Lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh, diện tích nuôi tôm biển 41.200 ha; khai thác thủy sản được quan tâm đầu tư, với 2.132 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đạt 210.000 tấn/năm. Tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng 3 cảng cá tại các huyện biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Du lịch sinh thái vùng ven biển phát triển khá nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là 3 huyện ven biển. Năng lượng tái tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư, với quy hoạch phát triển 1.008 MW điện gió. Tỷ lệ đô thị hóa khu vực 3 huyện ven biển cao hơn mặt bằng chung của tỉnh (26%/20%)...

Phát triển về hướng Đông nhằm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Bến Tre. Đặc biệt là phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng biển, thúc đẩy tích cực cho sự phát triển của cả khu vực, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới biển. Gắn kết liên kết vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh qua tuyến hành lang ven biển, mở ra không gian phát triển mới, rộng hơn so với điều kiện hiện tại của tỉnh và toàn vùng, tạo ra động lực phát triển mới để phát triển nhanh và bền vững hơn.

Để cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo ông Trần Ngọc Tam, Nghị quyết hướng đến mục tiêu đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực; mở rộng không gian phát triển nhằm tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển và vùng ven biển; thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp ven biển, hình thành ngành công nghiệp mới như năng lượng sạch; hình thành các khu đô thị, dân cư ven biển; đầu tư cảng nước sâu, trung chuyển trong nước và quốc tế, cảng phục vụ năng lượng khí (LNG); sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, thủy sản phù hợp với bố trí dân cư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng biến đổi khí hậu; Đồng thời, ghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch, hình thành khu kinh tế biển tại Bến Tre....

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (thứ hai từ phải sang) khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Bến Tre về hướng Đông, Nghị quyết đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, đó là phát triển đột phá một số ngành kinh tế biển chủ lực, bao gồm: Kinh tế thủy sản, công nghiệp, năng lượng, du lịch biển, đô thị.  Đến năm 2025 tỉnh sẽ phát triển nuôi thủy sản biển đạt 41.500ha, sản lượng đạt đạt 114.000 tấn/năm; đến năm 2030 diện tích nuôi thủy sản biển đạt 42.000ha, sản lượng đạt 150.000 tấn/năm. Về công nghiệp, đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp 3 huyện ven biển chiếm 30% và đến năm 2030 chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Về năng lượng, tập trung phát triển năng lượng sạch; đến năm 2025 phát triển ít nhất 1.500 MW, đến năm 2030 phát triển 3.000 MW…

Bến Tre cũng tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu, tạo nền tảng để phát triển tỉnh về hướng Đông. Việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phải cơ bản đáp ứng Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045, thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng giao thông – logistics, thủy lợi, cấp nước sạch, công nghiệp, năng lượng, du lịch, đô thị ven biển. Đặc biệt, về hạ tầng giao thông – logistics giai đoạn 2021-2025 có các nhiệm vụ quan trọng như: đầu tư xây dựng hoàn thành cầu Rạch Miễu 2, hoàn thành giai đoạn 1 tuyến giao thông động lực ven biển liên kết các tỉnh Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh. Giai đoạn 2025-2030 đầu tư hoàn chỉnh tuyến giao thông động lực ven biển, nâng cấp 3 quốc lộ 60, 57B, 57C lên cấp III và cấp II đồng bằng…

Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch khu kinh tế biển Bến Tre. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu kinh tế biển, gắn với lấn biển…

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề ra các nhóm giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế biển bền vững, như: Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lãnh đạo, điều hành tốt định hướng phát triển Bến Tre về hướng Đông.  

Có thể bạn quan tâm

  • Bến Tre: Định hướng phát triển kinh tế hướng đông

    Bến Tre: Định hướng phát triển kinh tế hướng đông

    01:23, 15/02/2021

  • Bến Tre: Nâng cao chuỗi giá trị dừa

    Bến Tre: Nâng cao chuỗi giá trị dừa

    01:00, 30/11/2020

  • Bến Tre: Mục tiêu phát triển 5.000 doanh nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

    Bến Tre: Mục tiêu phát triển 5.000 doanh nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

    02:45, 23/11/2020

  • Bến Tre: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm

    Bến Tre: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm

    01:06, 09/11/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre

    22:59, 06/11/2020

THÙY LINH